Vào thập niên 1990, Hữu Nghĩa cùng với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Mộng Vân được xem như là ngôi sao của điện ảnh Việt Nam.
Nhưng sau đó ít năm anh rơi vào sự hoang mang vì dòng phim mà mình dấn thân bị báo chí gọi là "mì ăn liền" và bị xem nhẹ như là thứ phim không có giá trị.
Có lúc định bỏ nghề vì chán nản nhưng niềm đam mê cháy bỏng đã giữ anh lại với nghệ thuật. Những năm sau này, Hữu Nghĩa không còn đứng trên đỉnh cao của sự nổi tiếng nhưng cuộc đời anh thực sự rất có ý nghĩa như chính cái tên của mình.
Đi qua những tháng ngày cơ cực
Hữu Nghĩa là bạn cùng lứa với Phước Sang tại trường Cao đẳng sân khấu & Điện ảnh TPHCM. Lúc đó, Phước Sang là chàng sinh nghèo lặn lội từ Vĩnh Long lên Sài Gòn đi tìm giấc mơ nghệ thuật. Nhiều bạn bè cùng trường của Hữu Nghĩa mà sau này đều trở thành những ngôi sao cũng đến từ những miền quê khác nhau.
Hữu Nghĩa sinh ra tại Mỹ Tho nhưng gia đình đã dời về Sài Gòn sinh sống từ lâu. Vì vậy, ngôi nhà của Hữu Nghĩa chính là nơi tá túc của Phước Sang và nhiều bạn bè cùng thời.
Hữu Nghĩa - Phước Sang là đôi bạn thân cùng lứa ở trường Sân khấu Nghệ thuật 2.
Hữu Nghĩa nhớ lại: "Thời điểm đó đứa nào cũng nghèo nên thiếu trước hụt sau. Tôi đỡ hơn bạn bè gốc tỉnh lẻ vì có nhà tại thành phố.
Nhiều hôm Phước Sang và bạn bè hết tiền cơm tháng ghé qua nhà tôi lục bếp có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Cái thời nghèo khó nhưng giàu tình nghĩa ấy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim tôi và mọi người".
Sau khi ra trường, Hữu Nghĩa được điều về đoàn nghệ thuật tỉnh Minh Hải (tỉnh gộp chung giữa Cà Mau và Bạc Liêu). Chuyến đi này bị xem như là "đi đày" vì ai học trường sân khấu cũng mong muốn được ở lại những đoàn lớn tại Sài Gòn.
Về đến vùng đất tỉnh lẻ tận cùng tổ quốc, trong những ngày đầu tiên, Hữu Nghĩa cảm thấy cuộc đời mình buồn mênh mang như vùng biển chiều bao la của đất mũi.
Thời bao cấp, nghệ sỹ chưa kiếm được nhiều tiền như thời buổi hiện tại. Tiền lương chỉ đủ cafe và tiêu vặt. Vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cá mắm nên bữa ăn hôm nào cũng có những món ăn này. Nhưng đoàn không đủ tiền mua những thứ khác bổ sung.
Hữu Nghĩa cho biết: "Nhiều lúc cả tháng trời trong bữa ăn của anh em hoàn toàn không có món thịt. Nhắc đến món thịt kho là ai nấy đều chảy nước miếng. Nhưng thịt lúc đó là món xa xỉ. Dù vậy, khi bước lên sân khấu là chúng tôi quên hết tất cả thiếu thốn".
Bật lên thành sao và rồi hụt hẫng
Dù cuộc sống có nhiều thiếu thốn về vật chất, nhưng Hữu Nghĩa được đền bù bằng những vai diễn hay.
Hữu Nghĩa, Lý Hùng, Phước Sang, Mộng Vân trong đám giỗ cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh....
Anh được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện thuận lợi cho đóng vai chính. Nhờ vậy anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm sàn diễn cần thiết. Hai năm sau, anh được về đoàn kịch Bông Hồng rất danh tiếng tại đất Sài Gòn.
Từ đây, ngoài những giờ diễn chính của đoàn, Hữu Nghĩa và Hữu Châu kết hợp cùng diễn tấu hài. Cặp song tấu Hữu Nghĩa – Hữu Châu nhanh chóng bật lên thành nhóm hài trẻ ăn khách chỉ xếp sau các nhóm hài như Bảo Quốc – Duy Phương, Hồng Vân – Lê Vũ Cầu, Phú Qúy – Mỹ Chi...
Đầu những năm 1990, nền điện ảnh Việt Nam xuất hiện trở lại các hãng phim tư nhân. Từ đây dòng phim tình cảm tâm lý xã hội không liên quan đến đề tài chiến tranh, lịch sử xuất hiện trên màn ảnh Việt.
Nhờ tài năng, Hữu Nghĩa được mời vào một loạt phim có sự xuất hiện của các diễn viên trẻ như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Quyền Linh, Phước Sang, Lê Tuấn Anh...
Dòng phim khai thác sâu mảng đề tài tình yêu lứa đôi như thổi luồng gió mới vào nhu cầu giải trí của công chúng.
Hữu Nghĩa cùng lứa diễn viên cùng thời bật lên thành những ngôi sao mới nối tiếp bước tiền bối như Nguyễn Chánh Tính, Lý Huỳnh, Thương Tín, Thúy An, Thanh Lan...
Thế nhưng chỉ ít năm sau, dòng phim rất ăn khách ấy bị báo giới đặt cho cái tên là phim mỳ ăn liền với dụng ý chê bai và xem thường.
Hữu Nghĩa cho biết: "Lúc đó tất cả chúng tôi đều hụt hẫng và hoang mang. Chúng tôi không hiểu sao, trước đó không lâu khán giả đón nhận chúng tôi nồng nhiệt rồi sau đó báo chí thay đổi thái độ.
Tôi mất phương hướng và muốn bỏ nghề vì thất vọng. Nhưng rồi mỗi khi đi ngang sân khấu hay điểm diễn quen thuộc tim tôi đập loạn nhịp.
Tối về nhà thức trắng đêm. Tôi quyết định quay lại bất chấp báo chí chê bai chúng tôi là những ngôi sao phim mỳ ăn liền".
Hữu Nghĩa trong một tiểu phẩm hài.
Theo Hữu Nghĩa, cách gọi đó có phần hơi ác ý. Bởi vì dòng phim tình cảm tâm lý xã hội bị gọi là mỳ ăn liền ấy thực sự được làm chỉn chu từ kịch bản đến chọn diễn viên, cùng thời gian quay.
Một bộ phim có thời lượng 2 tiếng được quay trong vòng vài tháng mới xong. Xem ra còn lâu hơn thời gian quay một bộ phim truyền hình nhiều tập trong thời điểm hiện tại.
Hết mình với bằng hữu
Sau thời đỉnh cao của dòng phim thị trường, Hữu Nghĩa tập trung vào tấu hài. Tại sân chơi này, anh tiếp tục được tổ đãi nên tên tuổi vẫn luôn ăn khách.
Nhóm hài của anh chạy show khắp các tụ điểm từ Sài Gòn đến tỉnh lẻ. Trong những năm tháng này nhiều nghệ sỹ trẻ đã được Hữu Nghĩa nâng đỡ và trưởng thành trong sự nghiệp.
Hết lòng với bạn bè chính là đặc tính của Hữu Nghĩa. Khi nghệ sỹ Phước Sang thành lập sân khấu kịch Sài Gòn, Hữu Nghĩa là anh em đầu tiên về đầu quân. Đến lúc sân khấu dời qua địa chỉ khác mất khán giả, gặp nhiều khó khăn, Hữu Nghĩa vẫn tiếp sức.
Thời điểm khó khăn nhất, sân khấu bán ít vé, Hữu Nghĩa tự bớt tiền lương. Anh đồng cam cộng khổ cho đến lúc kịch Sài Gòn hồi sinh.
Chưa kịp ăn mừng thì ông bầu Phước Sang lâm cảnh khốn cùng vì thị trường bất động sản bị đóng băng. Hữu Nghĩa cùng nhiều anh em khác đã góp sức giúp Phước Sang tháo gỡ nhiều khó khăn và qua cơn khủng hoảng.
Hữu Nghía trong đám giỗ lần thứ 2 của đàn em Đăng Lưu.
Vài năm trước, đạo diễn Lê Văn Thảo đột nhiên lâm bệnh rất nặng. Số tiền mà Lê Văn Thảo dành dụm trong nhiều năm đã chi phí hết qua đợt điều trị đầu tiên. Hiểu được điều này, Hữu Nghĩa đứng ra kêu gọi anh em nghệ sỹ tổ chức show diễn ủng hộ.
Nhờ lòng nhiệt thành của Hữu Nghĩa mà anh em nghệ sỹ đã tổ chức được vài show với tiền bán vé đủ giúp Lê Văn Thảo tiếp tục được điều trị chu đáo, vượt qua tình trạng thập tử nhất sinh, hồi phục hoàn toàn.
Lê Văn Thảo bộc bạch: "Tôi có nhiều bạn bè nghệ sỹ nhưng Hữu Nghĩa là một trong số ít những người tôi xem là ân nhân.
Anh là người tái sinh cuộc đời tôi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau khi thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, tôi nhận ra tấm lòng sẵn sàng sẻ chia của Hữu Nghĩa, và tôi đã học theo cách sống này của anh".
Cố diễn viên Đăng Lưu cũng là người nặng tình với Hữu Nghĩa. Từ một diễn viên vô danh Đăng Lưu gia nhập nhóm hài Hữu Nghĩa và dần dần được khán giả biết đến. Từ đây anh được mời chạy show khắp nơi.
Tiếc là Đăng Lưu đột ngột đổ bệnh rất nặng. Hữu Nghĩa dù luôn bận rộn vẫn túc trực bên đàn em. Lúc Đăng Lưu hấp hối, Hữu Nghĩa là một trong số anh em nghệ sỹ thức trắng đêm bên cạnh bằng hữu của mình.
Trong đám tang Đăng Lưu, Hữu Nghĩa hiện diện như một thành viên gia đình. Đám giỗ lần thứ nhất và lần thứ hai của Đăng Lưu, Hữu Nghĩa cũng túc trực. Tấm lòng của Hữu Nghĩa dành cho anh em khiến các bạn nghệ sỹ khác vô cùng cảm động.
Nhiều người bảo, cha mẹ Hữu Nghĩa rất có lý khi đặt cái tên này cho anh với hàm ý "có nghĩa, có tình". Anh đã sống đúng như thế từ khi còn là một chàng trai trẻ đến bây giờ đã qua tuổi ngũ tuần.
Cùng với nghệ sĩ Linh Tý trên sàn tập của sân khấu kịch Sài Gòn.
Hình như sự quan tâm giúp đỡ người khác không sụt giảm mà còn nhiều hơn trong trái tim Hữu Nghĩa. Anh dạy các bạn kinh nghiệm diễn suất và cố gắng tìm show diễn cho các bạn có cơ hội rèn luyện và tiền lương.
Anh đang mơ mộng đến lúc mình có đủ điều kiện mở ra một sân khấu riêng để đàn em của mình có một sân chơi để phô diễn tài năng. Biết là rất khó khăn nhưng anh đang cố gắng.