Ngay cả các loài săn mồi đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn của bầu trời cũng không thể thoát khỏi số phận.
Các loài chim trưởng thành thường không có kẻ thù nhất định. Khi còn trong trứng hoặc lúc mới nở, chúng có thể bị đe dọa bởi đủ yếu tố - từ thằn lằn, rắn, cho đến các loài gặm nhấm như sóc, chuột. Còn một khi đã biết bay và tự mình săn mồi được, chẳng sinh vật nào có thể chạm đến chúng nữa.
Nhưng rồi con người xuất hiện. Từ bẫy đặt dưới đất, đến phát minh có sức sát thương kinh khủng nhất là súng săn, cùng các công trình đầy nguy hiểm như điện lưới cao thế... các loài chim cũng dần không còn đất sống. Ngay nhóm được mệnh danh là chúa tể bầu trời như đại bàng, chim ưng hay diều hâu cũng không nằm ngoài số phận ấy.
Dù sao thì con người cũng đã có ý thức hơn. Hành động săn bắn dần bị nghiêm cấm, điện lưới được hạ ngầm... Tuy nhiên mới đây, các chuyên gia đã xác định một loại công trình đang được đánh giá là "kẻ săn mồi kinh khủng nhất bầu trời." Mà nghịch lý thay, công trình này ra đời lại vì mục đích giúp con người bớt gây tổn hại cho môi trường.
Xin trân trọng giới thiệu: turbine điện gió - thủ phạm đã khiến 75% chim trời thiệt mạng.
Nghiên cứu do các chuyên gia từ Viện khoa học Ấn Độ tại Bengaluru thực hiện. Theo đó thì các turbine điện gió tại Ấn Độ chính là những kẻ săn mồi nguy hiểm nhất, khi khiến hàng loạt chim ưng, diều hâu và các loài chim ăn thịt sinh sống quanh đó sụt giảm số lượng xuống chỉ còn 1/3.
Sự biến mất của nhóm chim ăn thịt này cũng gây ra hiệu ứng dây chuyền cho chuỗi thức ăn ở khu vực này. Các loài bò sát và thú cỡ nhỏ đang phát triển hết sức mạnh, vì kẻ thù của chúng biến mất quá nhanh.
Theo giáo sư Maria Thaker - đồng tác giả nghiên cứu, chim và dơi là những nạn nhân khổ sở nhất tại khác khu vực xuất hiện turbine điện gió. Đây là một kết quả đáng ngại, bởi lẽ hầu hết các nhà máy điện gió đều được xây dựng tại khu vực đồng cỏ mênh mông và trống trải - môi trường sống ưa thích của các loài chim.
Cụ thể hơn, các chuyên gia đã kiểm tra lại số lượng chim săn mồi tại 3 turbine điện gió thuộc vùng Tây Ghats (Ấn Độ). Ở các khu vực này, số lượng diều hâu, chim cắt và chim ưng xuất hiện thấp hơn gấp 4 lần so với những nơi không lắp đặt turbine.
Thaker cho biết khi chim săn mồi biến mất, các loài gặm nhấm và thằn lằn cũng phát triển vượt bậc. Hơn nữa do nhiều thế hệ ít phải đối mặt với chim săn mồi, nhóm thằn lằn mới này cũng thay đổi bản năng. Chúng ít sợ hãi hơn, cho phép con người tiếp cận ở phạm vi gần hơn trước khi co cẳng chạy mất.
Các loài chim săn mồi chịu ảnh hưởng rất lớn từ turbine điện gió
Cũng theo Thaker, phân tích này có thể được ứng dụng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là những nơi điện gió phát triển như Anh Quốc và Hà Lan.
"Một số nghiên cứu trước kia đã từng chỉ ra rằng nhà các nhà máy điện gió có thể ảnh hưởng đến chim chóc và dơi," - Thaker cho biết.
"Chim bay vào cánh quạt rồi chết, đồng thời môi trường sống cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi đã đào sâu hơn vào các hiệu ứng có thể xảy ra, và nó còn gây ảnh hưởng đến các loài thằn lằn nữa."
"Mỗi lần một cá thể chim săn mồi xuất hiện hoặc biến mất, sẽ có những hiệu ứng lan tỏa trong hệ sinh thái."
Và thậm chí, các loài săn mồi khổng lồ như đại bàng cũng từng chết thảm vì cánh quạt của ngành điện gió.
Theo Thaker, nghiên cứu đòi hỏi giới chuyên gia phải sớm đưa ra giải pháp trước câu chuyện này. Chẳng hạn, các nhà máy có thể vận hành mạnh hơn vào ban đêm - thời điểm hầu hết các loài chim săn mồi không hoạt động; hoặc tích hợp một hệ thống phát ra tín hiệu nào đó khiến các loài chim không muốn bén mảng lại gần chẳng hạn
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecology and Evolution.
Tham khảo: Daily Mail