Ngành môi trường Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm mẫu nước có màu đỏ tại bán đảo Sơn Trà và kết luận: đây là hiện tượng tự nhiên khi ruốc đẻ trứng, không gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi xuất hiện vệt nước màu đỏ rộng 1m, dài 50m, cách bờ 20m tại chân bán đảo Sơn Trà, khu vực ghềnh đá bãi Bụt vào ngày 24/2 vừa qua thì đến hôm nay 26/2 cơ quan chức năng đã có kết luận về vệt nước màu đỏ này.
Theo đó, trao đổi trên VnExpress và báo Tuổi trẻ, đại diện Sở tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng và Chi cục bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng cho biết, qua phân tích mẫu nước ngành môi trường khẳng định đây là ấu trùng ruốc (trứng ruốc), sau một ngày sinh ra ấu trùng này mọc đuôi và bơi lan rộng trong nước.
Trứng ruốc gây ra hiện tượng "vệt nước đỏ" tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Tuổi trẻ |
Cơ quan chức năng cho biết thêm, sau Tết là đến mùa ruốc sinh sôi. Những năm trước cũng thường xuất hiện mảng màu đỏ trên nước biển nhưng diện tích ít. Chỉ đến năm nay số lượng trứng ruốc mới dày đặc lên, không chỉ xuất hiện ở bán đảo Sơn Trà mà còn có tại vịnh Đà Nẵng.
Trước đó, khoảng giữa tháng 2 đến nay tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) cũng xuất hiện những vệ nước màu đỏ gần bờ như thế này.
Lê Khánh (tổng hợp)