UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng Cục an toàn bức xạ hạt nhân và các cơ quan chức năng đang khẩn cấp truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc của Nhà máy thép Pomina 3.
Vào sáng ngày 6/4, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp khẩn với các ban ngành, Cục An toàn bức xạ hạt nhân....về việc Nhà máy thép Pomina 3 bị thất lạc nguồn phóng xạ.
Khẩn cấp truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Vũng Tàu (ảnh PLO)
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Thanh Dũng đã chỉ đạo bằng mọi giá tìm kiếm được nguồn phóng xạ bị thất lạc trong thời gian sớm nhất. Hình ảnh về nguồn phóng xạ phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà máy và người dân, nhất là các vựa ve chai quanh huyện Tân Thành để cùng tìm kiếm. "Người nào có thông tin về nguồn phóng xạ trên sẽ được thưởng", ông Dũng nói.
Được biết, nhà máy théo Pomina 3 (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu) có năm nguồn phóng xạ lắp đặt trên dây truyền sản xuất.
Khoảng giữa tháng 3, nhà máy phát hiện một nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép Co-60 (nguồn phòng xạ thuộc nhóm 4) bị thất lạc.
Nhà máy đã áp dụng nhiều hình thức tìm kiếm nhưng chưa tìm ra nguồn bị thất lạc này. Hiện nay, nhân viên phụ trách an toàn bức xạ đang trong quá trình thôi việc nên việc tìm kiếm càng khó khăn hơn.
Ngày 1/4, nhà máy thép Pomina 3 đã có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc bị thất lạc nguồn phóng xạ này.
Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để điều tra nguyên nhân cũng như tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc.
Theo tin tức trên báo Pháp luật TP.HCM, nguồn phóng xạ Co-60 bị mất của Nhà máy Pomina 3 sử dụng để đo mực thép lỏng trên dây chuyền sản xuất phôi thép ở lô số 3. Nguồn phóng xạ có hoạt độ hiện tại khoảng 233mCi.
Ở khoảng cách 10cm nguồn phóng xạ có thể gây ra suất liều chiếu xạ là 2,5mSv/h, trong khi mức liều chiếu xạ cho phép đối với người dân bình thường trong một năm chỉ là 1mSv. Do đó nguồn phóng xạ có thể gây ra tác hại cho sức khỏe của con người khi tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, việc tìm kiếm và nhanh chóng thu hồi nguồn phóng xạ này là quan trọng và rất cấp bách.
H.Nguyên (Tổng hợp)