Việc dành những lời khen ngợi, cưng nựng khi con trẻ hoàn thành "nhiệm vụ" được giao hay đạt kết quả học tập tốt là điều bố mẹ thường làm. Tuy nhiên, nhiều người cũng sợ rằng, khen trẻ nhiều quá khiến trẻ tự mãn.
Theo các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, việc khen ngợi trẻ rất quan trọng việc giúp trẻ phát triển năng lực bản thân cũng như lòng tự trọng. Tuy nhiên, lời khen phải sử dụng một cách hợp lý, chân thành. Lời khen ngợi sẽ không có tác dụng nếu như lời khen nào cũng giống nhau. Ví dụ như, nếu tất cả học sinh trong lớp đều được khen vẽ đẹp, trong khi các em đều biết có một số bạn vẽ đẹp hơn hẳn, thì lúc này lời khen mất đi ý nghĩa.
Khen trẻ quá nhiều có tốt?. Ảnh minh họa |
Trên Education World dẫn lời một nhà nghiên cứu Benjamin Mardel, thuộc ĐH Harvard cho rằng Cần khen trẻ chọn lọc hơn và cụ thể hơn.
“Trẻ có thể nhận ra những lời khen sáo rỗng và giả tạo. Chúng có thể học được nhiều hơn từ những nhận xét cụ thể. Khen ngợi phải dựa trên cái gì đó có thật”, ông Mardel nói.
Còn theo Barry Lubetkin – chuyên gia tâm lý, giám đốc Viện Trị liệu hành vi (New York), có thể khen quá nhiều sẽ làm trẻ chán ngấy và ít chuẩn bị cho những khắc nghiệt của cuộc sống sau này, nhưng trong một số trường hợp, phụ huynh có thể khen có lựa chọn.
“Nếu một đứa trẻ đã rất cố gắng phần từ vựng và mang về nhà một điểm A thì khen ngợi là thích hợp và chỉ ra rằng trẻ nhận được điểm A là nhờ học tập chăm chỉ. Nhưng nếu đứa trẻ đó bình thường đã làm tốt ở phần từ vựng rồi thì cũng không cần phải khen ngợi nữa”.
Tuy nhiên, ông ông Lubetkin cũng cho rằng: "nếu tôi phải phạm sai lầm, tôi thà chọn sai lầm vì khen quá lời còn hơn là không khen”.
Trong một cuộc hội thảo mới đây tại Hà Nội, thạc sĩ Ái Liên cũng nêu những tác hại của việc khen trẻ không đúng cách. Ví như, lời khen không chân thành sẽ trở thành hối lộ tinh thần. Hối lộ tinh thần không giúp trẻ có ý chí làm việc tốt.
Ngoài ra, một số phụ huynh sợ khen con nhiều quá thành tự mãn nên đã cộng thêm 1 số câu chê là không nên. Bởi khi lời khen kết hợp với chê thành mỉa mai.
"Cần phân biệt rạch ròi giữa khen và chê. Không nên khen chê cùng 1 lúc", bà Liên nói.
H.M (tổng hợp)