Liên quan vụ khỉ "bắt cóc" trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi tại Bố Trạch, Quảng Bình, ông Hoàng Xuân Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) nhận định, có thể vì lý do chết con hoặc mất con nên khỉ mẹ mới có hành động như vậy.
Vừa qua, báo Phụ nữ, Công an, Tri thức trực tuyến đưa tin vụ việc một cháu bé 2 tháng tuổi ở xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) suýt bị khỉ "bắt cóc". Cụ thể, vào trưa ngày 20/9, khi đang ở ngoài sân, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (trú tại xã Đại Trạch) bỗng nghe tiếng khóc thét của đứa con mới 2 tháng tuổi (tên Tuệ Anh) đang nằm ngủ trong nhà. Giật mình, chị chạy vào thì thấy một con khỉ đang định bế cháu Tuệ Anh đi. Trông thấy chị, con khỉ đã bỏ cháu bé lại và vội vã bỏ trốn.
Thời điểm xảy ra sự việc, phát hiện trên mặt Tuệ Anh có nhiều vết xước gây chảy máu (nghi do móng tay khỉ cào) nên chị Nguyệt vội đưa con tới Trạm Y tế xã để sơ cứu. Sau đó, cháu bé đã được chuyển thẳng tới Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) để điều trị. Hiện sức khỏe của cháu bé đã ổn định.
Được biết, con khỉ định "bắt cóc" bé Tuệ Anh vốn là vật nuôi trong gia đình bố mẹ đẻ chị Nguyệt. Cách đây khoảng 3 tháng, con khỉ này đã sinh con rồi sau đó đột ngột bỏ đi. Tuy nhiên, thời điểm phát hiện con khỉ quay về, không thấy nó mang theo con.
Ông Thủy nhận định, có thể vì lý do mất con hoặc chết con nên bản năng làm mẹ đã khiến khỉ có hành động "bắt cóc" trẻ sơ sinh. |
Sau khi xuất hiện thông tin về vụ việc, nhiều độc giả nêu vấn đề liệu rằng có mối liên hệ nào giữa việc khỉ mẹ bị mất con với việc nó "bắt cóc" trẻ sơ sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Thủy - Phó giám đốc Trung tâm, Bác sỹ thú y, Phụ trách Tổ nghiên cứu thuần dưỡng động vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) nhận định, việc khỉ "bắt cóc" trẻ em có thể coi là hy hữu; tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trong thực tế.
Theo ông Thủy, đối việc sự việc xảy ra ở Đại Trạch vừa qua, có thể do con khỉ đã được nhà nuôi và đã thân quen nên sau khi bỏ đi, nó mới tìm về. Và có thể vì lý do chết con hoặc mất con nên trong quá trình quay về, phát hiện cháu bé sơ sinh (hao hao khỉ con) nên bản năng làm mẹ đã khiến nó có hành động như vậy.
"Khỉ bị nuôi nhốt lâu ngày, đã quen với gia đình thì sau khi bỏ đi, chắc chắn nó sẽ lại tìm về, vì nếu ra môi trường tự nhiên thì khả năng tìm kiếm thức ăn của khỉ sẽ bị hạn chế bởi tập tính tự vệ thụ động hoang dã hoặc tập tính hoang dã của nó khi ở gần với con người đã bị mai một. Muốn trở lại tự nhiên thì khỉ phải có điều kiện luyện tập, tập lại các tập tính đó. Tuy nhiên, do con khỉ từng bị nuôi nhốt này không có được các điều kiện tập luyện tập tính hoang dã nên sớm muộn gì nó cũng sẽ quay trở lại nhà gia chủ, hoặc để tìm thức ăn, hoặc vì các lý do khác" - ông Thủy cho biết.
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật cũng lưu ý, người dân không nên tự ý nuôi nhốt khỉ. Đối với những cá thể khỉ đã bỏ đi sau khi bị nuôi nhốt, người dân cần thông báo vụ việc với trạm kiểm lâm gần nhất để được tư vấn, giúp đỡ cũng như được hướng dẫn các phương án về việc bẫy bắt và bàn giao lại cho các Trung tâm cứu hộ động vật. Các Trung tâm này sẽ tạo điều kiện để thả khỉ về môi trường tự nhiên, tránh được những nguy hiểm tiềm ẩn cho cộng đồng.
Vũ Đậu