Khoảng 13 giờ chiều 26/2, khúc gỗ sưa mà một người dân đi bắt cá phát hiện tại suối Troóc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã được trục vớt lên khỏi mặt nước, khiến nhiều người ngạc nhiên về độ “khủng” của nó. Sự xuất hiện bất thường của một trùm gỗ sưa trong suốt quá trình trục vớt, khiến dư luận xôn xao.
Cận cảnh khối gỗ sưa trị giá hàng chục tỷ đồng:
“Bán cái” gần 1 tỷ đồng?
Tại buổi “thương thuyết” giữa cơ quan chức năng và gia đình anh Nguyễn Quang Huy (người được sưa) vào lúc 10 giờ ngày 25/2, có sự chứng kiến của PV Tiền Phong đã không thành công. Phía gia đình anh Huy yêu cầu phải được nhận tiền trước (10%) trong tổng số giá trị cây gỗ. Phía cơ quan chức năng cho rằng, gỗ đang nằm dưới nước, chưa thể biết giá trị thế nào, vả lại còn phải qua nhiều thủ tục theo pháp luật quy định.
Tuy nhiên, khi Hùng “mía”, một trùm buôn gỗ sưa trong huyện xuất hiện thì cuộc “thương thuyết” quay ngoắt 180 độ. Sau nhiều cuộc tiếp xúc “con thoi” của Hùng “mía” với người nhà anh Huy, rồi đại diện cơ quan chức năng, bỗng dưng anh Huy đồng ý để cơ quan chức năng trục vớt. Theo một nguồn tin thân cận của Tiền Phong, Hùng “mía” đã bỏ ra 890 triệu đồng mua phần ăn chia của anh Huy với Nhà nước theo kiểu lời ăn, lỗ chịu. Và số phần ăn chia cũng tăng từ 10% lên 30% một cách khó hiểu. Cũng theo nguồn tin này, Hùng “mía” đã chi 30 triệu đồng “công đức” cho một nhà thờ trong vùng để “an dân”.
Ông Hùng “mía” (đội mũ cối) tiếp xúc với người của cơ quan chức năng
Ngày thứ hai trục vớt, tại hiện trường xuất hiện thêm một chiếc xe múc, một chiếc xe reo 3 cầu và một chiếc xe IFA. Phương án trục vớt được thay đổi, bằng việc lấp dòng suối ngay tại vị trí có cây sưa và khơi thông dòng chảy khác để tiện cho việc trục vớt. Hàng trăm người dân vẫn dồn về vây kín hiện trường theo dõi việc trục vớt, tuy nhiên đã không xảy ra việc kích động, phá rối như hôm trước.
Theo quan sát của PV Tiền Phong, trong hai ngày trục vớt, Hùng “mía” thường xuyên túc trực tại hiện trường và có biểu hiện khuynh loát mọi công việc, mặc dù có mặt đầy đủ các cơ quan chức năng.
Ngay tại vòng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của hiện trường, nơi chỉ dành cho cơ quan chức năng điều hành công việc, miễn vào đối với người không phận sự, nhưng Hùng “mía” có mặt từ đầu đến cuối cuộc trục vớt mà không gặp phải sự cản trở của cơ quan chức năng. Trên tay Hùng “mía” thường trực chiếc điện thoại và “tả xung, hữu đột” chỉ đạo công tác trục vớt.
Thậm chí Hùng “mía” còn chỉ đạo bày lễ, thắp hương, cúng bái ngay tại hiện trường trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Theo đó, sau nhiều lần dùng xe đặc chủng (xe reo 3 cầu) để trục vớt cây gỗ đều bị đứt cáp. Hùng “mía” đã chỉ đạo người của mình chạy đi mua đồ lễ, gồm 1 con gà, hoa quả để trên một chiếc mâm nhôm, thắp hương ngay bên bờ suối, cạnh vị trí cây sưa đang được trục vớt để cầu khấn thần linh phù hộ.
Ông Hùng “mía” có mặt trong vòng bảo vệ an ninh đặc biệt liên tục chỉ đạo việc trục vớt
Người dân chứng kiến cuộc trục vớt đa số là giáo dân, vốn không tin vào sự cúng bái đã tỏ thái độ bất bình. Họ cho rằng, do không tiên lượng được sức ỳ của cây gỗ, nên dùng phương tiện không đủ lực nâng, chứ không có chuyện thần linh quở phạt để bày trò nhố nhăng. Và người dân cũng rất bất ngờ trước sự lờ đi của cơ quan chức năng trong việc cúng bái này.
Gốc sưa “khủng” trị giá hàng chục tỷ đồng
Khoảng 13 giờ chiều cùng ngày, đồng thời với sức nâng của hai chiếc xe múc, gốc gỗ sưa “khủng” đã dần đưa lên khỏi mặt nước. Để nhanh chóng kết thúc công việc, tránh tình huống xấu có thể xảy ra, gốc gỗ sưa được cẩu lên chiếc xe reo, trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng công an, kiểm lâm để rời khỏi hiện trường mà không kịp đo đếm. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người có mặt tại hiện trường, gốc gỗ sưa này bị rỗng ruột, có đường kính hơn 1m, dài hơn 2m, ước nặng trên 2 tấn.
Trái ngược với sự xông xáo của ông Hùng “mía”, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT (ngoài cùng bên trái) chỉ ngồi nhìn công tác trục vớt
Theo nhận định của người dân địa phương, đây là gốc gỗ sưa sót lại sau khi bị lâm tặc đốn hạ thân cây cách đây mấy chục năm. Do xói mòn của nước lũ hằng năm, gốc sưa bị bật lên và theo dòng nước trôi về đây. Dòng suối Troóc đa số là đá và cát nước rất trong nên gốc sưa không bị ăn mòn, mục nát mà vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.
Ngay khi gốc sưa được trục vớt lên, một trùm buôn gỗ sưa có tên là Tám, ngồi cạnh PV Tiền Phong đã bấm máy điện thoại chúc mừng Hùng “mía”. Ông Tám tiết lộ, một người tên Trường ở Troóc đã thông tin cho ông và đề nghị góp vốn mua lại phần ăn chia của anh Huy, nhưng ông Tám không dám mạo hiểm. Qua điện thoại (mở loa ngoài), ông Hùng “mía” nói với ông Tám có lẽ sẽ lãi được khoảng 1,8 tỷ đồng trong phi vụ này.
Ông Tám tiết lộ, cách đây không lâu, một người đi bắt cá địa phương cũng đã phát hiện một gốc sưa nặng 380kg, cách gốc sưa hiện tại chừng 100m. Ông Tám và những người bạn đã mua lại người phát hiện 2 tỷ đồng, trục vớt lên (không có cơ quan chức năng) và bán được 3,8 tỷ đồng.
Qua điện thoại (mở loa ngoài), ông Hùng “mía” nói với ông Tám có lẽ sẽ lãi được khoảng 1,8 tỷ đồng trong phi vụ này.Theo một trùm buôn gỗ sưa khác, gốc sưa trước chất lượng không bằng gốc sưa này, và giá bán vào thời điểm đó cũng thấp hơn hiện nay, nhưng cũng đã bán được 1kg/10 triệu đồng. Vì vậy, nếu gốc sưa này nặng trên 2 tấn, lấy giá bán bèo nhất cũng được 20 tỷ đồng. Nếu phần ăn chia là 30%, Hùng “mía” sẽ nhận 6 tỷ, chi phí gần 1 tỷ, đương nhiên Hùng “mía” đút túi 5 tỷ đồng. Trùm gỗ sưa này cũng nhận định, Hùng “mía” được lãi đơn lãi kép, vì sẽ được ưu tiên mua lô gỗ này với lí do “có công trục vớt”.
Trao đổi những thông tin nói trên với ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, ông Tân khẳng định: Không có chuyện ăn chia 30% mà chỉ 10% theo luật định. Còn sự xuất hiện bất thường, hăng hái của Hùng “mía” chỉ là người đến xem như bao người khác, không hề có sự liên quan nào.
Ông Tân cho biết thêm, hiện gốc gỗ sưa đã đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, nhưng vẫn chưa đo đếm. Tới đây, sau khi hoàn tất các thủ tục theo luật định, gốc gỗ sưa này được chuyển vào Trung tâm bán đấu giá tỉnh để bán công khai. Tuy nhiên, sau những chất vấn của PV, ông Tân nói cũng không chắc lắm về phần ăn chia, việc này do tỉnh quyết định.