Nhờ những chiếc ốc vít xuất khẩu sang nước ngoài, anh Phạm Trung Hiếu đã kiếm được những hợp đồng tiền tỷ, xây dựng một cơ ngơi hoành tráng ở tuổi ba mươi.
Bỏ việc lương cao để buôn ốc vít
Anh Phạm Trung Hiếu sinh năm 1980, quê ở Nghệ An, tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Ngoại thương Hà Nội). Trong những ngày tháng còn là sinh viên anh Hiếu cũng rất năng động, tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống cũng là có thêm kinh nghiệm. Có lúc, anh Hiếu vừa học vừa bán kem, bàn chải đánh răng, mỹ phẩm cho một công ty của Pháp. Đến năm năm thứ 2, anh được tuyển vào làm biên tập và quảng cáo viên cho một tạp chí. Công việc này giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm, để được tuyển vào làm việc trong phòng kế hoạch tại một tập đoàn viễn thông với mức lương khá ổn ngay sau khi ra trường.
|
Anh Hiếu bên những chiếc ốc vít của mình |
Những tưởng anh Hiếu sẽ trở thành một nhân viên văn phòng mẫn cán, nhưng tham vọng làm giàu của anh luôn thôi thúc anh tìm ra con đường làm giàu mới cho mình. chính vì vây, sau một thời gian làm việc, anh Hiếu đã quyết định xin nghỉ việc. Lúc đưa ra quyết định này, anh đã phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của gia đình vốn chỉ mong con cái có một công việc với thu nhập ổn định. Nhưng anh vẫn kiên quyết làm theo ý mình.
Bằng sức trẻ và tham vọng anh Hiếu đã làm qua rất nhiều công việc ở giai đoạn đó, thế nhưng kết quả của anh đạt được thì chủ yếu là thất bại nhiều hơn thành công. Tuy nhiên, những thất bại này không làm anh nản lòng mà trài lại nó cho Hiếu nhiều kinh nghiệm quý báu và nhất là có cái nhìn thực tế về thương trường.
Theo thông tin trên zing.vn, cơ duyên dẫn anh tìm tới lãnh đạo Tập đoàn Eurowindow trong một cuộc gặp tình cờ. Muốn được tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp, cậu thanh niên "trẻ ranh" Phạm Trung Hiếu phải đối mặt với câu hỏi: “Chú thì làm được cái gì?”. Ở thời điểm năm 2003 khi trong tay chỉ có kinh nghiệm của thất bại, Hiếu chắc nịch: “Cái gì em làm cũng được, nếu các anh cho đơn hàng!”. Và với Eurowindow ở thời điểm đó chính là lời “thách thức” cung cấp… ốc vít chất lượng cao, vốn đang là mảng phụ kiện còn tồn tại một số vấn đề trong sản phẩm của tập đoàn.
Để có được ôc vít chất lượng cao, Hiếu nghĩ cách đặt hàng khuôn từ Châu Âu và chuyển khuôn sang thuê gia công sản phẩm tại nước thứ 3 theo các tiêu chuẩn được anh nghiên cứu. Tất cả chi phí mà Hiếu có lúc đó chỉ là 13 triệu đồng để cuối cùng anh có 3 kg ốc vít chất lượng cao trong tay và tự tin chuyển tới làm mẫu. Chính 3 kg ốc vít này chính là chìa khóa giúp anh nhận được thư mời hợp tác cung cấp sản phẩm chính thức từ khách hàng khó tính này.
Thành công bước đầu
Hiện nay, anh Hiếu đã xây dựng được 2 nhà xưởng với hàng chục bộ thiết bị máy móc tự động hiện đại để sản xuất ra gần 400 sản phẩm linh phụ kiện từ nhựa và thép cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm của anh đã cung ứng cho các công ty danh tiếng tại Việt Nam như Panasonic, LG, Toto, Inax...và xuất khẩu đi 6 nước trên thế giới trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc...
Hơn nữa, anh Hiếu còn tự tay sáng tạo ra chiếc ke bắt vít mái tôn bằng nhựa kỹ thuật kháng thời tiết. Sản phẩm ke bắt vít của anh được thị trường đón nhận, đánh giá rất tích cực và có số lượng tiêu thụ rất tốt
Đến nay, tên tuổi của anh đã trở thành một thương hiệu uy tín trong ngành sản xuất ốc vít với những đơn hàng trị giá vài chục tỷ đồng là chuyện bình thường. Trong tương lai, anh Hiếu mong ước có thể sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác xuất khẩu ra khắp thế giới để chứng minh được rằng, người Việt chúng ta có thể làm được nhiều thứ chứ không chỉ là mỗi ốc vít.
Nhân Văn (tổng hợp)