Kỳ lạ bởi xã hội ngày càng văn minh hiện đại nhưng cuộc sống hàng ngày của họ vẫn không điện, không đường và tách biệt với thế giới bên ngoài.
Bất ngờ, cuộc sống đó lại nằm giữa trung tâm thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.
Cuộc sống “nguyên thuỷ”
Đó là cuộc sống của 3 chị em Phan Thị Vận (SN 1954), Phan Thị Vân (1959) và Phan Thị Tam (1961) “an cư” nơi lùm dứa của tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận.. Từ TP. Vinh (Nghệ An), chạy xe máy mất hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi tìm được ngôi nhà của 3 chị em khắc khổ ấy.
Ngôi nhà nằm lọt thỏm trong lùm dứa gai, hoang vắng, nhiều người đi qua khó có thể hình dung được đó là nơi trú ngụ của 3 con người bao nhiêu năm nay. Tuy đã đứng trước nhà nhưng loay hoay mãi chúng tôi mới tìm được “cổng” vào bởi những lùm dứa gai bao bọc quá kín.
“Cổng” vào nhà bà Vân được kết bằng các thanh củi khô và như lời bà thì không bao giờ mở bởi trâu bò cứ đua nhau vào phá.
Ba chị em bà Vân sống dị lập với thế giới bên ngoài. |
Bước qua cánh cổng, chúng tôi gọi vọng vào hỏi tên chủ nhà vì không đủ can đảm để bước vào. Bà Tam ngỡ ngàng bởi sự có mặt của chúng tôi bởi theo lời bà thì “chẳng biết mấy năm rồi không có người nào lui tới đây”. Trái với hình dung, bà Tam niềm nở vào hòa đồng hơn tôi tưởng. Thả đống chén đũa đang rửa dở, bà Tam niềm nở mời khách vào nhà.
Hình ảnh người đàn bà gầy còm, co quắp đang nằm trên chiếc chõng tre ọp ẹp đập vào mắt chúng tôi. Đó là bà Phan Thị Vân, cách đây mấy năm căn bệnh đau lưng hành hạ khiến bà không Vân động được. Đau đớn, bà Vân tìm đến một thầy lang chữa trị. Thế nhưng, bệnh không thấy khỏi mà ngày càng nặng hơn, rồi dần dần lưng bà co quắp, liệt giường không đi lại được nữa.
“Con Vân bị đau lưng, tôi đưa đi thầy lang chữa trị nhưng bệnh không khỏi. Tiền mất, tật mang, không biết thầy lang kia chữa răng mà lưng nó ngày càng đau, đi đứng, làm việc không được. Và giờ thì nằm một chỗ 2 chị em tôi phải phục vụ từ ăn uống đến vệ sinh”, bà Vận trải lòng.
Căn nhà 3 chị em bà Vận đang ở được xây năm 2004. Hồi đó, thấy hoàn cảnh éo le của 3 chị em, chính quyền xã Đức Thuận đã vận động, trích kinh phí để xây dựng căn nhà tình thương để 3 chị em có nơi tránh mưa, tránh nắng. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp, phía trên mái ngói đã phủ một màu đen của bụi, mạng nhện, trông ẩm thấp, tối tăm.
Sự ẩm thấp, tối tăm hiện hữu rõ hơn khi phương tiện thắp sáng duy nhất cho ngôi nhà là chiếc đèn dầu cũ kỹ. Khi được hỏi, tại sao bà không mắc điện mà dùng, bà Vận trầm ngâm: “Mắc rồi đó chú, nhưng được một thời gian kẻ xấu nó ghen ghét, khinh mình nghèo nên nó cứ cắt phá dây điện. Thế là tui phải ra Công ty điện lực của thị xã Hồng Lĩnh nhờ họ cắt, không dùng nữa”.
Các vật dụng trong gia đình của gia đình một phần vì không có điện, một phần vì không có tiền sắm sửa nên cũng hết sức thô sơ. Quạt điện, nồi cơm điện, bếp gas là những vật dụng tối thiểu cho một gia đình cũng không hề xuất hiện trong ngôi nhà này.
Thay vào đó là những cái nồi đã không còn quai và vung, những chiếc ghế chỉ còn có 3 chân hay cái tủ đựng đồ ăn được đóng từ “thế kỷ trước” và phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một chỗ ngồi vững chắc để trò chuyện.
Trong nhà không có bất cứ tài sản nào đáng giá. Ngay cả nơi đi vệ sinh cũng không có, khiến mỗi lần “có nhu cầu” chị em lại ra trước nhà đào một cái hố để “giải quyết”, xong thì lấp lại và lần sau lại tiếp tục như thế.
Trước đây, khi sức khỏe còn cho phép, 3 chị em cũng nhận làm hai sào lúa để đỡ tiền mua gạo. Giờ sức yếu, bệnh tật hành hạ nên đành bỏ ruộng hoang, cuộc sống trông chờ vào số tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật của nhà nước.
Ăn đồ tanh là đau bụng
Cuộc sống khó khăn, sức khỏe ngày càng yếu, bệnh tật hành hạ nên 3 chị em chỉ trông chờ vào số tiền của nhà nước hỗ trợ để sống qua ngày. Mỗi tháng, bà Tam em út nhận được 360 nghìn đồng.
Bà Vân tàn tật nặng hơn nhận 400 nghìn đồng. Còn bà Vận nuôi hai em được 180 nghìn đồng. Số tiền cả 3 chị em nhận được chưa đầy một triệu, thế nên họ phải tằn tiện lắm mới đủ để sống qua ngày.
Khi được hỏi, mấy ngày bà đi chợ một lần, bà Vận nói như khóc: “Đi chợ thì phải có tiền mà 3 chị em tôi mỗi tháng tổng cộng chưa được một triệu nên cuộc sống khó khăn lắm. Thường đến tháng nhận tiền, tôi đi lên rừng kiếm củi rồi tiện thể tạt qua chợ mua cân gạo, bó rau, chai nước mắm hay tí ruốc về ăn dần. Họ đi chợ thì sắm đủ thứ, tôi đi nhanh lắm bởi có mua chi mô”.
Ăn rau nhiều dần cũng thành thói quen, cứ đến bữa chỉ có một nồi cơm và một đĩa rau luộc với dăm quả cà. Tết vừa rồi, hàng xóm thương tình cho 3 chị em một cân thịt lợn nhưng khổ nỗi, ăn xong ai nấy đều ôm bụng chạy.
Cứ nghĩ là thịt có vấn đề nên bà Vận sang hỏi hàng xóm nhưng họ cũng ăn thịt đó mà không vấn đề gì. Sẵn mới nhận tiền, bà Vận ùa ra chợ mua nửa cân thịt lợn về nấu ăn thử xem thực hư ra sao. Và cũng như lần trước, 3 chị em lại ôm bụng vào “nhà vệ sinh”. Thế là từ đó, 3 chị em “nói không” với thức ăn có mùi tanh.
“Tui cứ nghĩ thịt hàng xóm cho có vấn đề nên ra chợ mua nửa ký về ăn xem sao, không ngờ lại ôm bụng quằn quại. Sau lần đó, cứ ngửi thấy mùi thịt cá là chúng tôi nôn thốc, nôn tháo”, bà Vận chia sẻ. Ăn rau nhiều mà không có thịt cá nên không đủ dưỡng chất khiến cơ thể 3 chị em trông gầy gòm, ốm yếu. Nhất là bà Vân do nằm lâu một chỗ nên chân tay chỉ còn da bọc xương, khẳng khiu như những que củi khô.
Nghèo nên lỡ duyên
Bà Vận kể, trước đây, khi cha bà là cụ Phan Văn Trà từng làm Chủ tịch UBND xã Đức Thuận còn sống, tuy lương bổng không nhiều nhưng cũng đủ ăn. Gia đình bà vốn có 6 anh chị em, 3 trai, 3 gái, nhưng do bệnh tật và nghèo đói, lần lượt hai người anh và cậu em út qua đời khi còn nhỏ.
Tròn 20 tuổi, bà Vận xin phép gia đình đi thanh niên xung phong ở huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình. Trong mưa bom bão đạn nhưng tình yêu ẫn nở, bà kết duyên với một chàng trai huyện Tuyên Hóa.
Đến năm 1980, bà cùng chồng về quê nội sinh sống. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, một năm sau bà bỗng phát bệnh lạ, bụng chướng to, người gầy gò, xanh xao, trong khi đó gia đình chồng lại nghèo, thuốc thang không có nên chữa mãi không khỏi. Cuối cùng bà buộc phải chia tay chồng để về quê Hà Tĩnh chữa trị.
Năm 1982, sau một thời gian điều trị tại quê nhà, bà Vận khỏi bệnh nhưng tai ương lại ập xuống gia đình bà. Người cha trong một lần đi làm ruộng đã vấp phải răng bừa rồi qua đời do vết thương nhiễm trùng.Không lâu sau đó, người mẹ vì quá đau buồn nên cũng ra đi để lại 3 chị em côi cút.
Từ đó, bà cũng bỏ ý định vào lại gia đình chồng để ở lại chăm sóc 2 em. Đến tuổi cập kê, 2 thiếu nữ Phan Thị Vân và Phan Thị Tam cũng được nhiều trai làng để ý, tìm hiểu. Có đêm, ngôi nhà của 3 chị em chật kín khách nhưng rồi duyên vẫn lỡ bởi như bà nói họ đều chê nhà bà nghèo, lại không còn bố mẹ. Từ đó, 3 chị em nương tựa vào nhau sống qua ngày mặc cho những lời nói thị phi của thiên hạ.
“Hồi đó, con Vân và con Tam cũng đẹp lắm, nhiều thằng say như điếu đổ nhưng định kiến xã hội, rồi cái nghèo khiến chúng nó không tìm được chồng. Vậy là, tôi cũng ngậm ngùi sống cảnh một mình để nuôi 2 em”, bà Vận ngậm ngùi.
Khi được hỏi 3 bà có mong ước gì không? Bà Vận nhìn lên căn nhà và trầm ngâm: “Tui và 2 em nó giờ tuổi đã già, sức khỏe không còn được như trước nên không biết sẽ ra đi lúc nào. Nhưng lỡ tui và con Tam đi trước thì con Vân không biết sẽ sống ra sao? Với 3 chị em tui sống được ngày nào hay ngày đó thôi chú”.
Văn Huy