Giáo dục kỹ năng để con cái phòng tránh bạo lực học đường là một việc làm có ý nghĩa thiết thực để để tạo dựng môi trường học đường văn hóa.
Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn lớn ngày càng phổ biến và lan rộng ra trong giới học sinh, đã có không ít vụ “ẩu đả học đường” nổi lên và gây tổn thương nghiêm trọng đối với nạn nhân bị bạo lực, gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh, thầy cô, bạn bè, gây nên sự bất ổn cho xã hội. Bạo lực học đường có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như: xúc phạm, lăng nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, danh dự người khác, làm tổn thương về mặt tinh thần thông qua lời nói, đánh đập, tra tấn, hành hạ dã man làm tổn thương về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực.
Tranh minh họa. Nguồn: GDVN |
Có nhiều nguyên nhân để xẩy ra tình trạng bạo lực học đường nhưng có thể khái quát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
Nguyên nhân đầu tiên do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng học sinh trong giai đoạn từ 12-17 tuổi. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân cao vót (mà không biết sử dụng đúng cách ) ở lứa tuổi ăn chưa đủ no lo chưa tới này khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo.
Nguyên nhân thứ 2 là: Do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ ,cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái, xã hội phất triển phụ huynh ít quan tâm tới con cái hoặc phụ huynh bị stress và xả stress bằng bạo hành gia đình không phải là chuyện hiếm gặp.Cấp II và cấp III là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành , hình thành những nhân cách méo mó về giá trị sống .
Nguyên nhân thứ 3: Do sự giáo dục của nhà trường còn năng về kiến thức văn hóa , đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ , hậu học văn”. Mặt khác, cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã đẩy ngã những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo. Bây giờ thật khó mà tìm được những thầy cô mà học sinh luôn nhắc đến với lòng kính yêu , luôn được học sinh coi là một hình mẫu để học tập. Đồng tiền làm mờ đi vẻ đẹp của giáo dục việc thiếu tấm gương ngay trong nhà trường đã khiến nhiều học sinh mất phương hướng không biết phải trở thành người như thế nào.
Nguyên nhân thứ 4 từ xã hội: Do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh , sách báo, game bạo lực , đồ chơi mang tính bạo lực ( kiếm,súng..). Hiện nay. Bên cạnh những mặt tích cức thì nó cũng mang nhiều ảnh hưởng xấu. Các trò chơi trên mạng Internet có tới 77% là trò chơi là đánh nhau, giết người. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông các hình ảnh bạo lực xuất hiện quá nhiều, các bộ phim hành động kinh dị, xã hội đen đua nhau trình chiếu trên tivi, internet, hoặc phát tán qua đĩa.
Từ những nguyên nhân cơ bản trên thì việc giáo dục kỹ năng để con cái phòng tránh bạo lực học đường là một việc làm có ý nghĩa thiết thực để tạo dựng môi trường học đường văn hóa, góp phần to lớn trong hình thành nhân cách đối với thế hệ tương lai của đất nước
Đối với gia đình: Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tính cách, nhu cầu của con ngay từ lúc bé. Phân định tâm lý lứa tuổi để có phương pháp nuôi dạy phù hợp. Đặc biệt với trẻ hiếu động, tính khí nóng nảy cần sự ân cần, kiên nhẫn rèn luyện, ít sự trách phạt để trẻ dần khắc phục tính khí này, biết kiềm chế trước sự việc. Hạn chế hết sức việc cho con em phim hoạt hình và các chương trình vô tuyến có hành động đánh nhau. Thay vào đó, phụ huynh nên cho con xem sách, tranh ảnh về thiên nhiên, động vật, vũ trụ... làm trẻ tăng hứng thú khám phá và yêu thích thế giới tự nhiên. Đó là cách để sáng tạo cái mới và xây dựng tình yêu thương với nhân loại.
Đối với toàn xã hội: Cần phải cần quan tâm, có những biện pháp quản lí, ngăn chặn những hành động có hại đến môi trường văn hóa, xã hội; giáo dục toàn diện, mạnh dạn lên án, loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống xã hội.
Đối với Nhà trường: Cần quan tâm tổ chức thực hiện việc dạy kĩ năng sống Cho học sinh một cách nghiêm túc, hiệu quả. Để mỗi học sinh cần biết kìm chế bản thân, giữ cho trái tim luôn ấm nóng tình yêu thương, ý thức rõ ràng về hành động và hậu quả mình gây ra. Khi có tình trạng bạo lực xảy ra trong học đường thì Ban giám hiệu nhà trường, báo cáo cho các cơ quan công an địa phương.. để hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra. Hãy chung tay đẩy lùi bạo lực ra khỏi học đường để khơi nguồn cảm hứng học tập cho học sinh, xây dựng học đường xứng đáng là “mảnh đất” để “ươm mầm” cho những nhân cách tốt đẹp.
Chu Minh Quốc (Trường Đại học Nguyễn Huệ, Biên Hòa- Đồng Nai)