Chiến thắng Điện Biên Phủ năm Giáp Ngọ - 1954 mãi mãi là đề tài đầy ắp huyền thoại về tài thao lược quân sự của Đảng và Bác Hồ.
Một câu chuyện vô cùng lý thú mà ít người được biết, đó là vào tháng 4-1949 Bác Hồ đã dự báo chính xác về “trận đánh cuối cùng” trong tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” với bút danh Trần Lực, được Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1949 tại Việt Bắc.
Truyện ngắn “Giấc ngủ mười năm” mang tính dự báo, viễn tưởng. Câu chuyện kể về cuộc đời của một nông dân miền núi tên là Nông Văn Minh trước cách mạng tháng Tám rất khổ cực phải đi ở đợ. Sau Cách mạng tháng Tám anh Minh tham gia vào vệ quốc quân chiến đấu vô cùng dũng cảm và bị thương trong trận đánh đồn Pháp. Đồng đội phải đưa anh vào quân y viện điều trị, do vết thương quá nặng anh hôn mê sau mười năm mới tỉnh. Con gái anh bấy giờ đã trở thành y tá của quân y viện và là người chăm sóc anh. Khi tỉnh dậy anh được con gái kể lại những gì diễn ra trong “Giấc ngủ mười năm”... Chiến tranh kết thúc, đất nước có nhiều đổi thay, vợ anh là cán bộ phụ nữ xã, anh vô cùng sung sướng và cảm động.
Tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” phác họa bức tranh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bắt đầu từ ngày bùng nổ cho đến kết thúc bằng “Trận đánh cuối cùng” - năm thứ mười - Giáp Ngọ (1954). Tác phẩm được viết năm 1949 nên phần đầu Trần Lực khái quát cuộc kháng chiến của quân dân ta đã trải qua, đặc biệt là việc chống trả quyết liệt cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc hòng bóp chết khu căn cứ cách mạng kháng chiến. Vào thời điểm đó, ít ai nghĩ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Pháp lại được một số nước trong phe đế quốc tiếp tay giúp sức. Thế mà trong tác phẩm Trần Lực viết “Chúng được tiếp viện binh bằng máy bay. Quân ta bắn rơi mấy chiếc, xét ra không phải máy bay của Pháp mà là của nước ngoài”.
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, từ tháng 5-1950 Hoa Kỳ công khai viện trợ cho Pháp xâm lược Việt Nam. Hai ngày sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh điều động 35 cố vấn quân sự lên đường sang Hà Nội giúp Pháp. Tính đến thời điểm Pháp triển khai tổ chức phòng thủ ở Điện Biên Phủ, viện trợ của Mỹ chiếm tới 78% tổng ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.
Phần sau của tác phẩm, Người phác họa diễn biến cuộc chiến tranh và chủ trương đối phó của ta chống lại âm mưu kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh của Pháp và Mỹ, trong đó có một số dự báo thiên tài ngày nay vẫn còn tính thời sự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp |
“Trận đánh cuối cùng” quân ta sẽ thắng lớn. Trong tác phẩm Người viết: “Trong trận ấy giặc Pháp phải huy động từng đàn từng lũ máy bay... tủa ra như ong. Chúng dội bom xuống như mưa. Tốp máy bay này về thì tốp máy bay khác tới. Chúng thay nhau ném bom... tiếng nổ long trời lở đất, khói lên nghi ngút như mây. Theo kế hoạch của giặc trận ấy phải là trận khủng khiếp nhất”. Đúng như vậy, trận Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức của cả hai phía ta và địch.
Phía địch, đó là nơi tập trung binh lực với mật độ đông nhất cùng với cố gắng chiến tranh cao nhất có viện trợ lớn nhất của Mỹ. Những tướng hạng nhất sành sỏi chiến tranh của Pháp đều được điều sang chiến trường Việt Nam. Lực lượng địch có lúc lên đến 17.000 tên. Đặc biệt bộ chỉ huy Pháp coi lực lượng không quân là “át chủ bài” của chiến trường cùng với hệ thống boong ke có đại bác, xe tăng dày đặc, là nơi “bất khả chiến bại” sẽ nghiền nát bộ đội chủ lực của ta nếu tấn công.
Phía ta, đây cũng là nơi huy động sức người sức của rất lớn. Chỉ trong vòng một tháng sau khi ta hạ quyết tâm chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ tổng tư lệnh đã điều lên đây 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đội công pháo. Ngoài ra còn có hàng vạn dân công, thanh niên xung phong phục vụ tiếp tế hậu cần. So với các chiến dịch trước đó, đây là chiến dịch ta huy động lực lượng tham chiến đông nhất, trở thành trận đánh quyết chiến chiến lược ác liệt nhất.
Tác phẩm mô tả: “Quân địch bị vây kín, chúng không thể cứu viện được bị ta tiêu diệt gần hết. Quân ta toàn thắng trong trận cuối cùng của cuộc kháng chiến. Kết quả trận ấy khủng khiếp thật nhưng khủng khiếp cho giặc, hơn một vạn giặc chết và bị thương”. Thật kỳ lạ, dự báo này so với thực tế diễn ra sau đó 5 năm rất sát. Sau 55 ngày đêm tổng công kích chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, quân địch bị ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, thu hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh các loại.
Trong “Giấc ngủ mười năm” Người viết: “Tin thất bại về đến Pháp, cả nước xôn xao đòi lập tức giảng hòa với ta. Quốc hội Pháp đánh đổ chính phủ cũ bầu ra chính phủ mới. Chính phủ này liền phái đại biểu qua thương lượng với chính phủ ta”. Đúng như dự báo, thắng lợi trận đánh cuối cùng - Điện Biên Phủ - 1954 đã thúc đẩy cuộc đàm phán giữa ta và Pháp ở Hội nghị Giơnevơ diễn ra nhanh chóng, Pháp phải chấp nhận những điều khoản chính đáng do đoàn đại biểu của chính phủ ta đưa ra.
60 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ càng ngẫm chúng ta càng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về tầm nhìn xa trông rộng, tinh thần lạc quan và niềm tin tất thắng trong cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc ta.
Theo Văn Chấn - CATPHCM