Sau đợt giảm lãi suất 6 tháng đầu năm, hiện tại các ngân hàng đang đồng loạt tăng mức lãi suất huy động, điều này khiến người vay tiền thiệt thòi.
Các ngân hàng đồng loạt tăng mức lãi suất huy động. |
Sau đợt giảm lãi suất huy động vào giữa năm, các ngân hàng trong nước lại tiếp tục tăng lãi suất huy động trở lại. Cụ thể, các kỳ huy động dưới 6 tháng đã lên mức kịch trần 7%/ năm, còn các kỳ hạn dài lãi suất lên đến gần 9%/năm.
Tại ngân hàng Sacombank lãi suất huy động đã ở mức 7%/năm với các kỳ huy động từ 1-5 tháng, kỳ hạn 13,24 và 36 tháng lãi suất đẩy lên 8,8%/năm. Ngân hàng ACB, vẫn giữ nguyên mức lãi suất là 6,9% cho các kỳ hạn 1 và 2 tháng, riêng các kỳ hạn khác lãi suất đều từ 7%/năm trở lên, các kỳ hạn dài trên 12 tháng của ngân hàng ACB có mức lãi suất huy động từ 8,4 – 8,5 %/năm.
Riêng ngân hàng Eximbank, kỳ hạn từ 6 – 11 tháng có lãi suất dao động từ 7,2 – 7,5%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất ở mức 8%/năm. Trong khi đó ở các ngân hàng nhỏ, mức lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn huy động từ 12 tháng đã lên đến mức 9%/năm.
Thông tin trao đổi trên Tuoitre.vn, ý kiến của các ngân hàng về việc đồng loạt tăng lãi suất huy động là do tình hình giải ngân cho vay bắt đầu khả quan hơn và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng để kinh doanh trong dịp Tết.
Nhưng một luồng ý kiến khác từ các chuyên gia tài chính, cho biết điều này sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến người đi vay.
Bên cạnh việc tăng lãi suất kỳ hạn ngắn ở mức phổ biến từ 0,2 – 0,4 điểm phần trăm, và mức tăng thay đổi nhẹ ở các kỳ hạn trên 12 tháng tại một số ngân hàng thương mại thì lãi suất liên ngân hàng cũng tăng khá nhanh trong nửa đầu tháng 6 do nhu cầu vốn ngắn hạn tăng lên tại một số ngân hàng.
Với chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, giá điện, dịch vụ y tế và nhu cầu tín dụng ngày càng cao khi tăng trưởng kinh tế có chiều hướng được cải thiện đáng kể.
Trước tình hình đó, Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Việc tăng lãi suất huy động tất yếu sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người đi vay, đặc biệt là những khách hàng đã vay trong năm 2014 và hiện đến thời kỳ điều chỉnh lãi suất.
Nhìn lại năm 2014, trong khi các ngân hàng có sắn một lượng tiền mặt dồi dào thì các chương trình vay ưu đãi với lãi suất thấp, thậm chí có ngân hàng còn đưa ra mức vay với lãi suất hấp dẫn 0%. Tuy nhiên trên thực tế những mức lãi suất cho vay ưu đãi của các ngân hàng chỉ áp dụng kỳ hạn từ 1-6 tháng đầu của hợp đồng, thời gian còn lại lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo thị trường, với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cộng thêm biên độ nhất định theo quy định của từng ngân hàng, thường cộng thêm 4 – 6%/năm. Bên cạnh đó là thời gian điều chỉnh lãi suất dao động từ 3 – 6 tháng/lần
Vì vậy, trước tiên khách hàng phải xem kỹ các điều khoản hợp đồng có liên quan đến thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi, biên độ cộng them khi lãi suất biến động theo thị trường, cũng như thời gian điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng sẽ là bao lâu… Việc xem xét kỹ hợp đồng để tìm cho mình một mức vay phù hợp sẽ tránh trường hợp khách hàng cá nhân trong thời gian lãi suất thấp thì có đủ khả năng chi trả nhưng khi điều chỉnh lãi suất tăng thì khách hàng mất dần khả năng chi trả.
Vậy nên, các khách hàng cá nhân để tránh thiệt hại nên xem xét, tính toán và đề nghị phía ngân hàng cung cấp bảng dự toán số tiền lãi suất phải trả trong suốt thời gian vay (gồm cả mức lãi suất điều chỉnh dự kiến), để từ đó khách hàng cá nhân có kế hoạch trả nợ phù hợp với khả năng của mình. Đồng thời, chú ý đến các khoản phí ngân hàng sẽ thu xoay quanh việc trả nợ chậm hay thanh toán trước hạn, để đưa ra quyết định đúng đắn về việc tiếp tục hợp đồng vay hay nên tất toán trước hạn.
Hoài An (Tổng hợp)