Có thể nói, Bộ GD-ĐT đã có một màn “chào năm mới” 2014 rất “ấn tượng” với những chủ trương về đổi mới tuyển sinh ĐH và thi tốt nghiệp. Về hình thức, những chủ trương trên chỉ là dự thảo để lấy ý kiến, nhưng cái cách mà Bộ này thông tin lại khiến người ta ngầm hiểu, mọi thứ Bộ đã quyết.
Đáng nói là những nội dung Bộ dự định đổi mới đều là chuyện... được chăng hay chớ.Đầu tiên, về đổi mới tuyển sinh ĐH, Bộ khẳng định từ năm 2014 các trường ĐH “được phép tuyển sinh riêng” với điều kiện “đã thi riêng thì không được dùng kết quả thi “ba chung”.
Quan điểm này được hiểu là: cứ “tuyển” là phải “thi”, nếu không tham gia kỳ thi “ba chung” thì các trường phải tổ chức kỳ thi “thi riêng”! Cách làm này hoàn toàn trái ngược với xu hướng của thế giới: dùng kết quả của một kỳ thi để xét tuyển, hoặc xem như một yếu tố để xét tuyển vào các trường ĐH. Thứ nữa, mong muốn được “tuyển sinh riêng” của các trường không hề đồng nghĩa với việc tổ chức một kỳ “thi riêng” mà mỗi trường có cách làm khác nhau, có thể thi riêng, có thể xét từ kết quả thi “ba chung”; cũng có thể là kết hợp xét điểm thi “ba chung” với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học tập ở bậc THPT cộng với một bài thi riêng hoặc phỏng vấn và những yếu tố khác…
Vậy nên, khi “cấm” không cho các trường dùng kết quả của kỳ thi “ba chung” - kỳ thi đáng tin cậy nhất hiện nay, phải chăng Bộ đang muốn “độc quyền” sở hữu và sử dụng kết quả của kỳ thi, gạt bỏ các nguyên tắc liên thông trong GD-ĐT mà bấy lâu Bộ đang theo đuổi, đồng thời “ép” các trường phải thi “ba chung”? Ở góc độ “sử dụng”, nếu kết quả của một kỳ thi được nhiều trường sử dụng thì phải xem đó là điều đáng mừng cho xã hội, sao lại cấm?
Hiệu trưởng một trường ĐH ví von: “Cho phép các trường tuyển sinh riêng như vậy cũng giống như người ta thả chim lồng nhưng lại để mèo ngồi canh ngay cửa!”. Kết quả, không cần phải chờ đợi người ta cũng đoán được ngay: các trường, kể cả những trường ĐH mạnh, thừa nội lực, cũng sẽ không dám tổ chức thi riêng trong năm nay, năm sau hay năm sau nữa. Tại sao? Thí sinh sẽ ngại đăng ký dự thi vào những trường thi riêng, kết quả thi riêng không được dùng để xét vào các trường khác. Kỳ thi riêng coi như cầm chắc thất bại!
“Vô lý đùng đùng” như thế nhưng không hiểu vì sao Bộ GD-ĐT cũng nghĩ ra được. Chẳng những thế, lãnh đạo Bộ này còn khẳng định: “Đã thi riêng thì không được dùng kết quả thi ba chung, đó là quy tắc bất di bất dịch”. Nhưng rồi chỉ chưa đầy một tuần sau, Bộ lại nói ngược: “Trường tuyển sinh riêng được sử dụng kết quả ba chung”. Không biết rồi đây, khi các trường tham gia thi “ba chung” lên tiếng phản đối “chúng tôi tốn tiền, tốn công sức tổ chức thi không phải là để cho người khác (các trường tuyển sinh riêng) sử dụng” thì Bộ còn thay đổi gì nữa không?
Tương tự, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT mau mắn đưa ra hai phương án “đổi mới” là thi bốn môn, gồm hai môn bắt buộc (toán và ngữ văn) và hai môn tự chọn (trong số các môn lý, hóa, sinh, địa và sử); và thi năm môn, gồm ba môn bắt buộc (toán, văn và ngoại ngữ hoặc chọn môn thi thay thế ngoại ngữ đối với những thí sinh không theo học hết chương trình ngoại ngữ hiện hành) và hai môn tự chọn (trong số các môn lý, hóa, sinh, địa và sử). Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: “Bộ nghiêng về phương án một, bởi phương án hai đã lạc hậu”. Theo cách hiểu này, môn ngoại ngữ - một môn học hết sức quan trọng cho hội nhập - xem như bị loại khỏi kỳ thi tốt nghiệp. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Trong GD-ĐT, mỗi một sự thay đổi đều ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, thậm chí nhiều thế hệ học sinh. Màn “chào năm mới” của Bộ GD-ĐT không khỏi làm cho người ta có cảm giác Bộ này đang làm giáo dục một cách tùy tiện theo kiểu được chăng hay chớ.
Theo Phụ nữ TP HCM