Các cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng các chỉ huy quân đội Mỹ sẽ không tuân theo lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh mối căng thẳng Mỹ-Triều Tiên gia tăng.
Chiếc vali hạt nhân do một trợ lý quân sự đặc biệt của Tổng thống Trump phụ trách bảo quản. Ảnh: AP |
Theo đài Press TV, trong một cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ ở Washington, các cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng các chỉ huy quân đội Mỹ sẽ không tuân theo lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh mối căng thẳng Mỹ-Triều Tiên gia tăng.
Ngày 14/11, Ủy ban đối ngoại đã mở cuộc điều trần về thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào một nước khác của Tổng thống Mỹ.
Phát biểu trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ Chris Murphy nói: “Chúng tôi lo ngại rằng Tổng thống Mỹ không ổn định, rất bất ổn, có cách ra quyết định thiếu bình tĩnh, và ông ấy có thể ra lệnh tấn công hạt nhân đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, TNS đảng Cộng hòa Bob Corker, cảnh báo rằng: “Một khi lệnh tấn công được đưa ra và xác nhận, sẽ không có cách nào để thu hồi nó”.
Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc được mời tới buổi điều trần cho biết, mặc dù Tổng thống Trump có thẩm quyền ra lệnh một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa, nhưng ông Trump không được pháp luật Mỹ cho phép ra lệnh tấn công phủ đầu.
Khi được hỏi liệu ông có tuân theo lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu của Tổng thống hay không, Tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu C. Robert Kehler nói rằng ông không sẵn sàng để thực thi lệnh đó.
“Tôi tin đây sẽ là một tình huống hiến pháp rất thú vị. Quân đội có nghĩa vụ phải tuân theo các lệnh hợp pháp nhưng không bị buộc phải tuân theo các lệnh bất hợp pháp”, ông Kehler - Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói và cho biết đây là một hệ thống do con người kiểm soát. Không có gì xảy ra một cách tự động.
Một số thượng nghị sĩ, bao gồm thành viên đảng Dân chủ Edward Markey, cũng bày tỏ lo ngại về quyền ra lệnh tấn công bằng hạt nhân dưới thời Tổng thống Donald Trump. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy nói: "Chúng tôi lo ngại tổng thống có thể yêu cầu một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân cực kỳ nguy hiểm đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".
Sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như những tuyên bố của Washington rằng sẽ giải quyết khủng hoảng Triều Tiên bằng vũ lực nếu cần thiết.
Lần đầu tiên trong hơn 40 năm, quốc hội Mỹ quyết định kiểm tra quyền khởi động một cuộc tấn công bằng hạt nhân của tổng thống Mỹ tại phiên điều trần diễn ra hôm 14/11. Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ thảo luận về vấn đề này là vào tháng 3/1976.
Đức Hòa (tổng hợp)