Sau nhiều giờ đấu trí và bằng những cử chỉ quan tâm đầy tình người của thượng tá An, cuối cùng đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Trong những năm làm nghề điều tra trọng án, thượng tá Ngô Minh An (hiện là Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an TP Hà Nội) đã trực tiếp đối mặt với nhiều loại tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng. Song ký ức khó quên đối với với anh là cuộc đấu trí với đối tượng Trần Chí Công (SN 1954, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - được đánh giá là “gan lỳ” và xảo trá bậc nhất.
Từ khi bị đưa về “nhà số 7 Thiền Quang”- nơi khiến các đối tượng lưu manh có tiếng ở Hà Nội đều phải quy phục nhưng Công vẫn ngoan cố, chống đối cho dù lực lượng điều tra sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ lẫn các biện pháp tác động tâm lý và pháp luật khác.
Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an TP Hà Nội). |
Vụ hỏa hoạn chết người
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 2h sáng 8/2/2007, ngọn lửa bùng phát tại một căn nhà ở ngách 68, ngõ chùa Liên Phái, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng khiến tất cả khu dân cư ở đó tỉnh giấc. Đám cháy nhanh chóng được dập tắt cũng là lúc nhiều người bàng hoàng phát hiện một tử thi bị cháy đen. Nạn nhân là chị N.T.M.N (SN 1959), làm hộ lý tại một bệnh viện Trung ương, sống một mình trong ngôi nhà 4 tầng này.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, một ban chuyên án đã được thành lập. Tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan Công an phát hiện trong phổi nạn nhân không hề có khói. Theo người nhà nạn nhân, đồ đạc trong nhà không xác định được và một số bị cháy thành tro, tuy nhiên một số tài sản của nạn nhân không tìm thấy (có thể do cháy và không loại trừ khả năng bị chiếm đoạt).
Như vậy nhiều khả năng đây không phải là một vụ hỏa hoạn thông thường mà là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Suốt gần một tháng trời, nhiều trinh sát của phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng, Công an các phường lân cận đã được tung ra rà soát khắp các khu vực tình nghi ở phường Cầu Dền, dựng lại hàng chục mối quan hệ của bị hại, rà soát hàng trăm đối tượng có những dấu hiệu, biểu hiện nghi vấn phạm tội.
Mọi thông tin tưởng như đi vào ngõ cụt, bế tắc thì đến ngày 7/3/2007, các trinh sát tìm thấy một “điểm sáng”, đó mà mối quan hệ tưởng như mờ nhạt giữa nạn nhân và một bác sĩ tên Trần Chí Công (SN 1954, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm việc tại Khách sạn Điện lực.
Dẫn giải đối tượng Trần Chí Công đến tòa án (Ảnh: KT). |
Ngay trong ngày 8/3/2007, Công đã bị triệu tập về cơ quan Công an để lấy lời khai. Ban đầu, có ý kiến cho rằng Công là một bác sĩ chứ không phải là giang hồ thì chắc cũng dễ khai thác, nhưng càng ngồi làm việc nhiều giờ thì càng thấy nản vì thái độ bất hợp tác, chống đối cơ quan điều tra của đối tượng.
Lúc này, thượng tá Ngô Minh An (khi đó là Đội phó Đội điều tra trọng án) đề nghị cấp trên được thử sức.
Qua nghiên cứu kỹ hồ sơ của đối tượng, thượng tá An biết được cuộc đời của Trần Chí Công khá “sóng gió”. Trước đó, Công thi đỗ vào trường ĐH Y Hà Nội. Sau khi ra trường, Công chuyển qua nhiều công việc ở ngành Y, sau đó xin đi lao động ở Đức. Sau khi vợ mất vì bạo bệnh để lại 2 con nhỏ, Công xin được việc làm ổn định ở Khách sạn Điện lực Hà Nội. Tưởng như cuộc sống của ba cha con sẽ trôi đi một cách yên bình, hạnh phúc, nhưng cũng kể từ đó, Công lao vào cờ bạc.
Cuộc đấu trí
Được sự đồng ý của thủ trưởng Cơ quan CSĐT, thượng tá Ngô Minh An đưa Công xuống phòng y tế để nói chuyện. Anh tâm sự với Công hàng giờ về ngành y, về cuộc sống hiện tại... Điều tra viên này cũng “bắt” được những suy nghĩ của Công, về tình thương yêu hết mực Công dành cho con cái, chăm chút cho con từ những cái nhỏ nhất.
Dần dần, Công cũng có những biến chuyển về tâm lý. Công ngập ngừng đồng ý khai. Nhưng khi đưa giấy bút cho Công, y ngẫm nghĩ một lúc rồi lại... quyết định không khai nữa. Công sợ khai ra sẽ mất ngôi nhà đang ở thì hai con sẽ bơ vơ. Lúc này, thượng tá An hứa với sẽ bảo vệ Công không bị mất căn nhà.
Nắm được tính khí “sáng nắng chiều mưa” của Công, thượng tá An vẫn kiên trì với chiến thuật của mình. Thấy Công mặc áo phong phanh, anh cởi áo của mình mặc cho hắn; hai bàn chân Công tím ngắt vì lạnh, anh cúi xuống đi tất cho Công; anh pha một ấm trà nóng cho Công uống để y khỏi lạnh.
Khi thượng tá An nói đến tình phụ tử, nói đến chuyện nay các con đang đau khổ vì người cha phạm tội, sắc mặt Công biến chuyển, lúc này điều tra viên biết rằng cách khai thác này đã có tác dụng. Anh đã nhờ người thân tác động tâm lý để Công hiểu được tội lỗi của mình gây ra. Biết rằng nếu bố ngoan cố không chịu khai nhận sẽ bị mức phạt cao hơn, con gái Công đã xin các điều tra viên cho gửi một bức thư nhiều chỗ nhòe nước mắt tới người bố.
Bức thư được chuyển cho Công, nó đã đánh gục hoàn toàn những lời khai gian trá. Lúc này, Công đồng ý khai toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, khi điều tra viên đưa giấy bút cho Công, y viết được mấy từ rồi lại quyết định không khai nữa.
Công tỏ ra rất hiểu luật và biết rõ mức án dành cho mình nên hắn sợ khai ra sẽ phải nhận cái chết. Có lẽ vì thế mà huyết áp của Công tăng đột ngột, bủn rủn tay chân rồi nằm ra đất. Thượng tá An vội gọi nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe cho Công, rồi anh kiên nhẫn chờ y tỉnh. Khoảng một giờ sau Công mở mắt, thượng tá An dùng khăn ấm lau chân, tay cho Công và đi mua một bát phở nóng cho y ăn.
Bị cáo Trần Chí Công trước vành móng ngựa (Ảnh: CAND). |
Những cử chỉ quan tâm đầy tình người của điều tra viên cuối cùng đã cảm hóa được Công. Đúng 19h ngày 9/3/2007, Công đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, do cờ bạc vay nợ nhiều, Công trở nên quẫn bách. Đó chính là lúc y không kiểm soát được mình và lao vào vòng xoáy của tội ác. Y đã nghĩ ra một kế hoạch khá “hoàn hảo” để giết chị N, người đàn bà có số phận cũng không được may mắn như hắn, nhưng sống một mình và kinh tế khá giả. Mục đích duy nhất của y là có được một món tiền để trả nợ.
Lợi dụng lúc chị N. sơ hở, Công đã sát hại chị, cướp hai chiếc điện thoại cùng với tiền, sau đó phóng hỏa nhằm phi tang xác.
Khi thực hiện những hành vi hết sức man rợ với chị N., Công không hề nghĩ rằng món nợ chồng chất món nợ và món nợ cuối cùng này thực sự cay nghiệt chỉ vì suy nghĩ nông cạn, hắn đã tự tước đoạt tính mạng của chính mình để trả nợ.
Trả giá cho hành vi tội ác của mình, Công đã nhận mức án ở hình phạt cao nhất: Tử hình cho 3 tội: giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản./.
Đức Minh