Trước thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" gây xôn xao Cộng đồng mạng, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án đến hạn bảo vệ chứ không phải như thông tin suy luận “thiếu hiểu biết” của người viết lên Facebook.
Trên Vnexpress đưa tin, một người dùng Facebook đưa ra phân tích về "lò sản xuất tiến sĩ" với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Còn thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất một ngày một giờ 15 phút ra một tiến sĩ).
"Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", người dùng facebook viết.
Thông tin trên nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt like và chia sẻ.
Trên Infonet, liên quan đến vụ việc trên, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Phải thận trọng với thông tin này. Đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án đến hạn bảo vệ chứ không phải như thông tin suy luận “thiếu hiểu biết” của người viết lên facebook. Nghĩa là mỗi mã ngành chỉ có rất ít người bảo vệ luận án thôi. Suy luận kiểu này thật là "botay.com" (không thể hiểu được – PV) cho sự hiểu biết của anh ta”.
Cũng theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, làm luận án coi như mất mấy tháng, đây là đợt thường kỳ, sau ba năm là đến thời điểm bảo vệ. Và đợt đó có 44 mã ngành thì phải tiến hành bảo vệ cùng một lúc.
Với một số đề tài được cho là chưa xứng tầm, ông Thắng giải thích, đó là do quan niệm của mọi người. Lâu nay xã hội vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, còn hiện nay, luận án đã đi vào với những đề tài thiết thực với cuộc sống.
Lê Vy (tổng hợp)