Luật sư của ông Huỳnh Văn Nén cho biết, nếu ông Nén yêu cầu hết các khoản theo quy định của pháp luật, số tiền bồi thường chắc chắn phải cao hơn 7,2 tỷ đồng ông Chấn được bồi thường.
Liên quan đến vụ án oan 17 năm của Huỳnh Văn Nén, trả lời phỏng vấn báo Vnexpress, ông Phạm Công Út - luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nén nhận định, hậu quả, thiệt hại trong việc làm oan thân chủ ông là đặc biệt lớn và nghiêm trọng. Các khoản yêu cầu bồi thường oan sai phải được tính toán kỹ và cần có thời gian thu thập chứng cứ.
So sánh với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Út cho rằng, vụ án của ông Nén có tính chất nghiêm trọng và thiệt hại hơn nhiều. Nếu ông Chấn chỉ bị oan 10 năm thì thời gian của ông Nén gần gấp đôi. Theo đó, nếu ông Nén yêu cầu hết các khoản theo quy định của pháp luật, số tiền bồi thường chắc chắn phải cao hơn 7,2 tỷ đồng ông Chấn được bồi thường.
Ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: báo Dân trí |
Cụ thể, theo luật sư Út, 17 năm chịu oan, ông Nén không chỉ thiệt hại về tinh thần, thể xác, mà còn khiến gia đình tan nát, khánh kiệt tài sản. Một người con của ông đã phải vào trại trẻ mồ côi, những đứa con còn lại thất học, người vợ mưu sinh vất vả nuôi con.
Ngoài ra, chi phí cho những người tham gia hành trình kêu oan cho ông Nén là một khoản cần phải bồi thường không nhỏ. Trong đó, ông Truyện - cha ông Nén ở tận Cà Mau, mỗi lần đi kêu oan cho con lại phải bán vài công ruộng. Ông không chỉ ra Bình Thuận mà thậm chí nhiều lần phải lặn lội ra các cơ quan trung ương ngoài Hà Nội. Ngoài ra, tuy không phải là người trong gia đình, nhưng ông Nguyễn Thận biết học trò cũ của mình bị oan nên đã bỏ tiền bạc, công việc, soạn rất nhiều văn bản đi kêu oan cho ông Nén.
Cũng theo ông Út, khi khắc phục hậu quả cho người bị oan, điều quan trọng là làm thỏa mãn về tinh thần chứ không hẳn là trao trả bằng tài sản ngang giá. Do đó, những tính toán yêu cầu bồi thường không phải là để thỏa mãn về vật chất. Có những khoản thiệt hại "không tiền nào bù đắp nổi" cho ông Nén như chuyện người mẹ mòn mỏi chờ ngày con được minh oan nhưng lúc bà chết, ông Nén vẫn trong tù và không hề được biết.
Trước đó, theo thông tin trong cuộc trao đổi trên VietNamNet sau buổi TAND Bình Thuận tổ chức xin lỗi công khai, ông Huỳnh Văn Nén cho biết, sắp tới sẽ có đơn đề nghị khởi tố vụ án, yêu cầu xử lý hình sự đối với điều tra viên Cao Văn Hùng (điều tra viên chính 2 vụ án mà ông Nén đều bị cáo buộc tội danh giết người, cướp tài sản) và những người trong cơ quan tố tụng như Công an, Viện KSND, Tòa án... đã gây oan sai cho ông Nén.
Ngoài ra, ông cũng sẽ tiếp tục khiếu nại, kêu oan về bản án 2 năm tù tội “hủy hoại tài sản” mà tòa án đã tuyên trước đây. Bởi, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận vẫn giữ quan điểm xác định ông Nén bị ngồi tù oan sai 15 năm, riêng 2 năm đầu vẫn khẳng định là đúng người, đúng tội, với tội danh "cố ý huỷ hoại tài sản của công dân" khi đốt chòi của ông Trần Bổ vào năm 1997.
Liên quan đến việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, trao đổi trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/12, ông Biện Văn Hoan - phó chánh án, người phát ngôn TAND tỉnh Bình Thuận cho biết: "Ông Huỳnh Văn Nén đến bây giờ được xác định là người bị thiệt hại, phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Các yêu cầu bồi thường thiệt hại đưa ra phải có tài liệu chứng minh theo luật quy định. Trên cơ sở đó cơ quan có trách nhiệm bồi thường, cụ thể là TAND tỉnh Bình Thuận sẽ tiến hành thương lượng với ông Nén. Khi hai bên thương lượng được thì ra quyết định công nhận. Còn thương lượng không thành thì ông Nén có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại".
Cũng theo trao đổi của ông Hoan trên báo này, chi phí gia đình ông Nén đi kêu oan là một trong các thiệt hại sẽ được xem xét. Tuy nhiên, theo ông Hoan, không thể so sánh trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén với ông Nguyễn Thanh Chấn bởi vì mỗi người có mỗi điều kiện, hoàn cảnh, thu nhập trước khi bị kết án oan khác nhau.
H.Minh (tổng hợp)