Từng là một nghệ sĩ tài hoa trong nhiều lĩnh vực và nổi danh khi còn sung sức nhưng ở vào tuổi xế chiều, nghệ sĩ già Mạc Can không có tài sản, không người thân bên cạnh.
Nhắc đến Mạc Can không ai không biết đến danh xưng nhà văn đa tài, nhà thơ với nhiều tác phẩm được trao giải thưởng. Ngoài ra, ông còn là diễn viên thời kỳ đầu gạo cội với những vai diễn đi vào lòng hàng triệu khán giả ở mọi lứa tuổi. Không những vậy, Mạc Can còn nổi tiếng với những tài lẻ như ảo thuật đường phố, biên kịch …
Có một câu nói mà các diễn viên thường dùng để nói về nghề của mình “Vai diễn thường vận vào chính cuộc đời” của người diễn thành công với nó nhất. Mà Mạc Can thì dường như được “đo ni đóng giày” cho những vai diễn người nông dân khắc khổ, chân chất. Vì thế mà biệt danh “ông già Nam bộ” hay “ông hề già” đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm làm nghệ thuật.
Không chỉ trong diễn xuất, hình ảnh người nông dân Nam Bộ lam lũ, khắc khổ cũng được khắc họa trong những tác phẩm văn thơ của Mạc Can một cách sống động và chân thực như chính cuộc đời vậy. Trong tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”, Mạc Can từng bộc bạch ông không chọn đi con đường khó nhưng cuộc đời cứ đổ những bất trắc và khổ ải lên mình. Và không ít nhân vật trong các tác phẩm được soi chiếu một phần từ chính cuộc đời của ông.
|
Tuổi xế chiều của Mạc Can chỉ làm bạn với bệnh tật và cô độc. |
Nếu ai quan tâm và yêu mến Mạc Can đều biết không ít thông tin về ông những năm tháng tuổi xế chiều, Mạc Can gần như chỉ làm bạn với bệnh tật và cô độc. Ông có một góc nhỏ, đơn sơ đến rơi nước mắt để làm chỗ nghỉ ngơi ở Sài Gòn chứ không phải một căn nhà. Có lần ông từng trả lời phóng viên khi hỏi địa chỉ nhà, mình không có nhà, đụng đâu ngủ đó. Tài sản duy nhất của nghệ sĩ già là chiếc xe máy cũ, laptop đều là quà tặng của bạn bè, đồng nghiệp thân gởi tặng.
Phần lớn thời gian của “ông hề già” dành đi ngao du và phim ảnh chứ không phải rảnh rang nghỉ ngơi và được con cháu chăm sóc. Ông vẫn cần mẫn với từng vai diễn để góp nhặt tiền cho sinh hoạt, thuốc thang. Nhiều lần bế tắc với chính mình, “ông hề già” chọn cách kết thúc cuộc sống của mình nhưng không thành. Có thời gian ông từng quyết tâm từ bỏ cuộc sống thân quen để ra nước ngoài đoàn tụ với con cái. Nhưng bản tính chân quê, thích dịch chuyển khiến ông chẳng thể hòa nhập với cuộc sống quá hiện đại, có phần lạnh lẽo. Ông chọn quay về với những điều thân thuộc. Mạc Can từng ví quãng thời gian tuổi già mình đang sống như một kẻ lữ hành chờ đến chuyến phà gọi tên mình lên.
|
Hình ảnh nghệ sĩ Mạc Can luôn tươi cười, hớn hở nhiều năm về trước. |
Có lần, từ phim trường trở về nhà, Mạc Can bị nôn ra máu rồi bất tỉnh. May mắn, được hàng xóm kịp thời phát hiện và đưa cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán, ông bị xuất huyết dạ dày - hậu quả của việc uống quá nhiều thuốc giảm đau để tránh cho bệnh đau khớp hành hạ. Những ngày nằm viện, ông cũng vẫn chỉ có một mình. Cuộc sống của ông lang bạt đó đây, không người thân chăm sóc và cũng rất ít người biết rõ hành trình của ông.
Dù có rất nhiều thành tựu trong nghề nhưng hiện tại, ông già Nam Bộ vẫn tay trắng, không có một nơi ở ổn định. Bao nhiêu tiền kiếm được từ đóng phim đều dành cho việc chữa bệnh. Ông luôn giản dị với chiếc sơ mi đã bạc màu, quần thô xanh bộ đội và chiếc túi trên lưng cùng chiếc xe máy cà tàng để tiện ngao du khắp đó đây và chiếc laptop cũ kỹ giúp ông ghi lại những trải nghiệm của chính mình.
Hiện tại, Mạc Can không còn sáng tác nhiều vì sức khỏe không cho phép nhưng tình yêu với điện ảnh vẫn làm ông có đủ tinh lực để duy trì. Mới đây, tác giả của Tấm ván phóng dao hoàn thành vai diễn trong nhiều tác phẩm điện ảnh: Hi sinh đời trai, Chuộc lỗi, Án mạng ở cô nhi viện…
|
Dù cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy mình túng thiếu. |
Cuộc sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm nhưng Mạc Can chưa một lần than mình khổ, kể lể về mình để mong nhận được tình thương từ mọi người. Ông cho biết, mình giờ đã bình thản với hiện tại bởi ông không có nhiều nhu cầu nên chưa bao giờ cảm thấy mình túng thiếu về vật chất nhưng vẫn luôn trân quý tình cảm mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình mỗi lúc họ đến thăm ông trên giường bệnh.
Ở tuổi 70, Mạc Can vừa trải qua ca phẫu thuật do xuất huyết dạ dày, cộng thêm bệnh xương khớp lúc trái gió trở trời, cái chân đau khiến ông di chuyển nặng nề nhưng hễ có lời mời ông viết kịch bản, tiểu phẩm, đóng phim ông sẵn sàng nhận lời. Khí chất hào sảng của một ông già Nam bộ của Mạc Can vẫn không hề mất đi dù thời gian bào mòn. Mỗi khi nhận kịch bản phim, ông chỉ cần đọc qua một lần là diễn đạt rồi. Ông cũng không có một chút ưu phiền cho chính mình bởi nguyện vọng duy nhất được đoàn tụ với hai người bạn tri kỷ là nhạc sĩ Sơn Nam và Hồ Kiểng đã được thành toàn nên không còn gì phải lo lắng cả.
Kỳ Nam