Hiện tượng mặt trăng máu (hay nguyệt thực toàn phần) lần đầu tiên và duy nhất trong năm 2015 sẽ xảy ra từ 16 giờ hôm nay (4/4).
Trao đổi với PV, anh Trần Văn Long, Phó Chủ tịch Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết, vào tối ngày 4/4/2015, người dân có thể quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần (hay còn gọi là “trăng máu”). Đây cũng là lần nguyệt thực toàn phần duy nhất trong năm 2015 người dân có thể quan sát được.
Anh Long chia sẻ "bí kíp" để có thể quan sát hiện tượng trăng máu được thuận lợi nhất, mọi người nên nhìn ra hướng Đông (hướng mặt trời mọc), chọn nơi thoáng đãng để có thể quan sát rõ hiện tượng thiên nhiên này.
Tại Hà Nội, vị trí thuận lợi nhất để chiêm ngưỡng trăng máu là trên cầu Vĩnh Tuy. Tuy nhiên, việc tập trung lên cầu để xem hiện tượng sẽ gây ảnh hưởng giao thông. Đặc biệt là nguy hiểm đến tính mạng, vì lưu lượng xe cộ đi lại qua đây rất lớn.
Trăng máu được chụp tại Hà Nội. ảnh Dân Việt
Thay vì địa điểm đó, người dân có thể vùng đất trống, tòa nhà cao tầng, nơi thoáng đãng không có vật cản tầm nhìn để quan sát.
Lịch trình xảy ra hiện tượng Mặt trăng máu ngày 04/04 (giờ Việt Nam).
- Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối lúc 16h01'
- Bắt đầu pha một phần lúc 17h15'
- Bắt đầu pha toàn phần lúc 18h57'
- Đạt cực đại lúc 19h00
- Kết thúc pha toàn phần lúc 19h02'
- Kết thúc pha một phần lúc 20h44'
- Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21h59' (kết thúc hoàn toàn)
“Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội sẽ tập trung quan sát hiện tượng trăng máu từ 16 giờ chiều nay, tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình. Đây là địa điểm thích hợp để mọi người có thể tập trung quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Sẽ có khoảng 400 người cùng tham gia sự kiện ngắm hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Tại đây có 12 ống kính thiên văn để mọi người cùng quan sát hiện tượng này. Người dân hoàn toàn có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường. Tuy nhiên, để đẹp hơn, có thể sử dụng thêm những chiếc kính thiên văn phổ thông”, anh Long chia sẻ.
Hỉnh ảnh quan sát nguyệt thực toàn phần của Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội ngày 8/10/2014 tại SVĐ QG Mỹ Đình.
Theo giờ Việt Nam, vào lúc 16 giờ, mặt trăng sẽ đi vào vùng bóng nửa tối, nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 18 giờ 57 phút; đạt cực đại lúc 19 giờ. Mặt Trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21 giờ 59 và kết thúc hoàn toàn sự kiện này.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất không được Mặt Trời chiếu sáng. Bóng tối của Trái Đất sẽ che khuất Mặt Trăng và xảy ra hiện tượng nguyệt thực. Khi Mặt Trăng đi vào sâu hơn bóng của Trái Đất, Mặt Trăng sẽ dần dần thay đổi màu sắc, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ.
Những bí kíp cần “ bỏ túi” khi xem Mặt trăng máu:
- Nguyệt thực chỉ đáng chú ý từ khi pha một phần bắt đầu, bởi khi diễn ra Nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng chỉ tối hơn một chút so với trăng tròn thông thường, và hầu như không có gì khác biệt. Cũng qua quan sát bóng của Trái đất phủ lên bề mặt Mặt trăng mà chúng ta biết Trái đất có dạng hình cầu.
- Khi quan sát Nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát Nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt Trăng.
- Chọn địa điểm thoáng đãng, có không khí trong lành, ít khói bụi và càng tránh xa ánh đèn đô thị càng tốt.
- Nếu ngắm thôi chưa đủ và bạn muốn lưu giữ lại những kỷ niệm này thì cần chú ý đến ánh sáng, tốc độ chụp của máy ảnh hay Smartphone.
- Để chụp trực tiếp bằng smartphone, bạn nên đặt điện thoại lên một vị trí tựa chắc chắn hoặc trên một tripod, điều này sẽ giúp ảnh không bị rung do tay và có máy có thể chụp ở tốc độ rất thấp mà hình không bị nhòe.
Các bạn không nên sử dụng chế độ zoom trong điện thoại vì nó không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc làm giảm độ chi tiết của ảnh – hãy cứ chụp bình thường và phóng lớn lên sau ở khâu hậu kì.
Video: Trăng máu tại Việt Nam và thế giới
Năm 2014 Việt Nam đã có 1 lần quan sát được nguyệt thực toàn phần vào ngày 08,10. Lần nguyệt thực một phần tiếp theo mọi người có thể quan sát được sẽ diễn ra vào ngày 8/8/2017, nguyệt thực toàn phần phải đợi đến 31/1/2018.
Đức Thuận