Liên quan tới số phận chiếc máy bay B727 - 200 bị bỏ rơi tại sân bay quốc tế Nội Bài cách đây gần 10 năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chấp thuận phương án đấu giá đối với máy bay này.
Một cán bộ của Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, thực chất tàu bay này “chỉ có thể dùng được cái vỏ, trưng bày chứ không thể khắc phục”. Ảnh: VGP |
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing 727 - 200 bị bỏ tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Trong nội dung văn bản nêu rõ, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện bán đấu giá tài sản theo đúng quy định.
Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, đề nghị hỗ trợ từ ngân sách.
Tàu bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5/2007.
Đại diện hãng hàng không Việt Nam đã nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không có liên hệ nào.
Sau đó, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã thông báo việc giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, tàu bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục hàng không Việt Nam có thể tùy ý xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cũng theo Cục hàng không Việt Nam, sau 10 năm phơi mưa, phơi nắng tàu bay B727-200 bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng; máy bay không có lý lịch quản lý, không có hồ sơ bảo dưỡng. Khoản chi phí lưu chỗ của máy bay tại sân bay Nội Bài đã lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Đức Hòa (tổng hợp)