La mắng trẻ thường xuyên sẽ khiến các em hình thành tính cách tự ti, mặc cảm hay cáu giận, hung hăng và đôi khi là cả trầm cảm.
Ở Việt Nam, việc trẻ em bị người lớn la mắng khi làm sai là chuyện bình thường “như cơm bữa”. Nhiều người còn cho rằng việc quát mắng con sẽ là vũ khí lợi hại để kết thúc những trò quậy phá của các em. Tuy nhiên việc lại dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong việc hình thành tính cách của trẻ.
Theo Trí Thức Trẻ, mới đây, chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam đã liệt kê những lời mắng con phổ biến dễ dàng khiến trẻ tổn thương.
Chị Hồ Điệp khuyên các bậc phụ huynh nên sửa cách mắng con. Ảnh internet |
Nhận định về con: Dốt quá con ạ/ Ẩu nhất quả đất/ Chậm chạp quá/ Ngu như bò/ Lúc nào cũng lơ nga lơ ngơ/ Mặt cứ đần ra thế…
Tỏ thái độ trước những việc làm sai của con: Làm bố/ mẹ xấu hổ/ Bố/ mẹ muốn chui xuống đất vì con/ Rồi cũng đến khổ với con/ Họ nhà mình toàn người học giỏi mà con thì làm bố mẹ xấu mặt…
So sánh con với "con người ta": Đi xách dép cho nó/ Sao con không bằng cái móng tay của nó/ Con mà được như thế có phải bố mẹ được nhờ không/ Sao cũng sinh con mà người ta sướng thế/ Ôi nhìn con nhà người ta mà thèm…
"Dự đoán" về tương lai: Rồi lấy gì mà ăn/ Đi hót rác thôi con ạ/ Đến ăn mày thôi con ạ/ Cả đời không ngẩng mặt được lên đâu…
Ngăn chặn một việc làm gì đó của con: Mày có thôi ngay đi không/ Mày làm thế tao đánh cho đừng trách/ Có não không mà làm như thế/ Mẹ cấm con…
Thường xuyên mắng mỏ sẽ hưởng tiêu cực đến tính cách của trẻ sau này. Ảnh internet |
Nhiều phụ huynh bao biện rằng có thương thì mới mắng mỏ hoặc không mắng thì làm sao con biết sai mà sửa đổi. Tuy nhiên chị Phan Hồ Điệp lại không đồng tình với lời bao biện này.
Cụ thể quan điểm của chị như sau:
"Bạn cứ nhắm mắt lại nghĩ về tuổi thơ của mình. Giữa những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào và kỉ niệm xấu, bạn nhớ kỉ niệm nào hơn. Mình đoán bạn sẽ nhớ lần bạn bị đánh, mắng, bị đau, bị khóc, bị khổ, bị bỏ rơi, bị tổn thương, bị xúc phạm…
Bố của Nam hơn 50 tuổi, trong những ngăn kí ức đầy chặt về tuổi thơ, bố Nam luôn nhắc đến một lần bị người hàng xóm mắng là "ngu thế" khi trót chạm vào cái ác quy. Từ đó trở đi, bố Nam sợ cái… ác quy. Sợ và ghét người đàn ông đã mắng mình khi ấy”.
Những chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp giúp nhiều phụ huynh giác ngộ về hành động của mình. Nhiều người thừa nhận khi nóng giận thường không kiềm chế được mà mắng mỏ con cái những lời thậm tệ. Có thể sau khi đọc những chia sẻ của mẹ Đỗ Nhật Nam, người lớn sẽ phải thay đổi cách ứng xử, dạy dỗ con khi các bé nghịch ngợm, mắc lỗi.
Thu Hằng (tổng hợp)