Một người phụ nữ tự đứng ra mở công ty, xưởng may và nhận những trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn về để dạy nghề. Mặc dù gặp khó khăn từ nhiều phía, ngay cả từ chính những người mình giúp đỡ, nhưng những điều đó không hề làm chị Lê Thị Minh Thúy bỏ cuộc.
Lòng tốt của người phụ nữ mắc trầm cảm do vô sinh được đền đáp
Từng mắc bệnh trầm cảm vì bị chấn đoán không thể sinh con, tưởng rằng những khó khăn và nỗi khổ tâm đó có thể đánh gục được chị Lê Thị Minh Thúy nhưng bằng nghị lực chị đã vượt qua.
Từ một lần đến dạy may cho trẻ khuyết tật ở một trung tâm, chị đã thấy được sự khó khăn của những người khuyết tật, thấy được những mặc cảm mà họ phải trải qua. Chị Thúy hiểu được nỗi đau, hiểu được những mặt trái trong những trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật, nên muốn có những ngôi nhà thực sự dành cho họ. Để họ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập kiếm sống như bao người bình thường khác.
Chị tâm sự, chị thành lập ra cơ sở may Nhất Tâm với mong muốn những người khuyết tật được học đúng theo giá trị thực sự của mình chứ không phải vì số lượng hay vì tài trợ. Chị muốn họ học được nghề, học thế nào mà có thể đi đến bất kì đâu cũng có thể làm được việc.
Vũ Văn Mạnh (1995) quê Hải Dương, là học viên đầu tiên của khóa học mới, khó khăn trong cách thể hiện lời nói và nghe, bố mẹ ly dị nhau được bạn bè giới thiệu đã tìm đến với chị Minh Thúy để xin vào làm việc tại cơ sở may Nhất Tâm.
Mạnh chia sẻ “Em mong muốn được làm thành thạo nghề, kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ cho bà và mẹ”. Khi được hỏi lý do vì sao đến với Nhất Tâm, Mạnh cho biết “Em được bản bè bảo rằng lên đây được dạy may thêm nhiều đường may, em có thể may được nhiều đồ hơn”.
Chị Thúy đang chia sẻ với Mạnh những thông tin khi làm việc tại cơ sở may Nhất Tâm |
Không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ, chị đã nhận hai người con nuôi là Duy và Hạnh đều là những em có hoàn cảnh khó khăn. Chị dạy cho Duy cách hòa nhập vào với cuộc sống, sống như một người có trách nhiệm, chứ không phải sống theo bản năng, sống không có mục đích, để Duy có thể tự lập đối với cuộc sống của mình.
Chị yêu đời, hào hứng bắt tay vào công việc giúp đỡ những người khuyết tật. Và như một món quà kì diệu dành cho chị, ba đứa con xinh xắn lần lượt ra đời.
Không nản lòng với những khó khăn chồng chất
Năm 2007, công ty bắt đầu đi vào hoạt động, cả xưởng chỉ 2 học viên. Hiện tại bây giờ đã sắm được gần chục máy khâu, đào tạo được 3 khóa học cho người khuyết tật. Mỗi người một trình độ, mỗi người có một khó khăn vì mắc phải những căn bệnh khuyết tật khác nhau, vì vậy chị phải đưa sản phẩm cho làm thử để xem năng lực làm được như thế nào để có cách dạy cho phù hợp. Có nhiều bạn không đủ kiên nhẫn thì bỏ giữa chừng.
Nhiều bạn tay yếu, đường may khó có thể chuẩn được vì vậy phải thực sự kiên nhẫn mới có thể dạy được thành nghề. Hơn thế nữa, người khuyết tật có mặc cảm rất sâu sắc, chỉ cần ánh mắt mình nhìn họ như thế nào họ cũng rất nhạy cảm. Các học viên đến đây học nghề được lo cho chỗ ở, họ tự lo bữa cơm hàng ngày.Trong khi nguồn vốn chị phải tự bỏ ra, không có nhà tài trợ, lượng hàng làm hỏng phải tự bù lỗ. Thời gian 3 tháng gần đây gặp rất nhiều khó khăn.
Tháng thứ nhất 80 sản phẩm bị lỗi và phải đền hàng với số tiền 5 triệu đồng. Đến tháng thứ hai, 60 sản phẩm bị hỏng phải bù 1 triệu. Sang tháng thứ 3, với số lượng hơn 150 sản phẩm bị hỏng toàn bộ. Trước những khó khăn gặp phải, nhiều học viên đã không chịu được khó khăn, thử thách nên bỏ cuộc, một mình chị vẫn kiên trì duy trì cơ sở may.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị cho biết, trong thời gian tới, chị mong muốn có thể đi học được nhiều thứ hơn như cách làm đồ handmade để có thể về dạy cho các bạn khuyết tật, giúp các bạn có được nguồn thu nhập ổn định. Hiện tại, cơ sở mới dạy được các bạn học may nên chị vẫn mong muốn mở rộng hình thức chế tạo sản phẩm hơn nữa chứ không đơn thuần là chăn ga, vỏ gối, quần áo.
Ngoài ra, chị cũng mong muốn có thể tìm kiếm được đầu ra cho các sản phẩm để có thể ủng hộ giúp các bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai cũng như giúp cho 3 bé có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường vì gia đình quá nghèo.Tuy gặp khó khăn về nguồn vốn, gặp khó khăn trong 3 tháng vừa qua, phải tự bỏ tiền ra để bù lỗ, nhưng chị Thúy vẫn không từ bỏ.
Bên cạnh chị vẫn có những bạn tình nguyện viên từ các CLB tình nguyện khác nhau, cùng ủng hộ chị. Hiện tại có nhiều tổ chức tình nguyện cùng tham gia ủng hộ về mặt tinh thần cùng với Nhất Tâm như CLB Dấu chân tuổi trẻ, CLB Ấm...
Minh Di