Miễn là biết chữ, chỉ cần bỏ ra khoảng 150.000 đồng - 1,4 triệu đồng là có thể mua được chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do Sở GD&ĐT hoặc thậm chí Bộ GD&ĐT cấp với tem chống giả và hồ sơ lưu đầy đủ.
Chứng chỉ giả, “phôi” thật
Chiều ngày 7/3, trong vai người cần gấp một bộ chứng chỉ ngoại ngữ Anh văn và Tin học trình độ B để hoàn thiện hồ sơ xin việc vào một cơ quan Nhà nước, PV Báo Giao thông vào “chợ” chứng chỉ có tiếng tại Thủ đô - cung đường gần cổng Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Khu vực này tập trung hơn 10 cơ sở bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ kiêm cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả nếu có yêu cầu. Đầu giờ chiều, “chợ” khá tấp nập.
Khi chúng tôi vừa dừng xe, lập tức một phụ nữ trạc 40 tuổi hồ hởi hỏi: “Em cần mua chứng chỉ gì, ở đây loại nào cũng có, giá cả phải chăng”. Để chứng minh, người phụ nữ liền đưa ra một xấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với đầy đủ trình độ: A, B, C… Khi PV nêu yêu cầu cần mua trực tiếp, người này nhanh nhảu ra giá: “Anh văn thì 300 nghìn, còn tin học thì 150 nghìn, đảm bảo “bằng xịn” do Sở GD&ĐT Hà Nội cấp.
Để người mua yên tâm hơn, người bán còn cho xem các loại chứng chỉ của “cửa hàng”, trong đó có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ của Hội Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA).
Khi PV băn khoăn về chất lượng của các loại chứng chỉ này, người phụ nữ liền trấn an: “Yên tâm 100% đi em. Nếu nộp hồ sơ vào đâu mà họ bảo bằng giả thì quay lại đây chị hoàn trả tiền”. Theo người phụ nữ này, các loại văn bằng, chứng chỉ rao bán giá rẻ tràn lan trên mạng internet nhưng khó xác định thật - giả. Còn ở đây, người bán cung cấp bằng “thật”, địa chỉ thật, thậm chí hồ sơ cũng thật…
Tiếp tục tìm đến văn phòng trung tâm đào tạo ngoại ngữ - tin học có treo biển Công ty Cổ phần Thương mại và Cung ứng nhân lực quốc tế H.V.C nằm trong khu tập thể Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi được một nhân viên tên H. tư vấn nhiệt tình về việc mua các loại chứng chỉ để nộp hồ sơ xin việc. Theo lời H., nếu vào công ty Nhà nước thì chỉ cần chứng chỉ do Sở GD&ĐT Hà Nội cấp bởi giá rất “mềm”, khoảng 300.000 đồng và lấy ngay trong ngày. Anh này cung cấp một mẫu chứng chỉ cho PV. Qua quan sát, chứng chỉ có ghi đơn vị cấp phép là Sở GD&ĐT Hà Nội, có tem kiểm định của Sở này.
Vẫn theo lời nhân viên H., chứng chỉ ngoại ngữ và tin học do Bộ GD&ĐT cấp cũng có giá “chát” hơn, khoảng 1,4 triệu đồng và thời gian cấp khoảng 10 ngày. Có hồ sơ lưu, bài thi, “phôi” thật nên giá phải cao hơn các loại không rõ nguồn gốc bán nhan nhản trên mạng.
Khi PV đặt vấn đề có phải học hay thi để được cấp các loại chứng chỉ này hay không? H. cười nhạt: “Chứng chỉ của Sở thì anh ngồi làm luôn bài thi ở đây, em đọc cho chép để lưu hồ sơ ở Trung tâm. Còn chứng chỉ của Bộ thì do đơn vị khác tổ chức thi nhưng bên em sẽ lo cho anh đỗ với điều kiện anh phải biết chữ để chép bài”. Để tôi yên tâm hơn, H. quả quyết: “Đi thi chỉ là để bên em lưu hồ sơ, để tránh các cơ quan chức năng kiểm tra thôi, chứ đã thi là đỗ 100%, nếu anh trượt em sẽ trả lại tiền”.
Tình hình tương tự diễn ra ở các khu “chợ đầu mối” văn bằng, chứng chỉ khác như: Tạ Quang Bửu (khu vực ĐH Bách khoa Hà Nội), Lê Thanh Nghị (ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội). Người mua, kẻ bán hồ hởi giao dịch các loại văn bằng, chứng chỉ làm giả thành thật.
Dài cổ chờ đoàn kiểm tra liên ngành
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay, phôi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học các loại hiện nay chỉ có một đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp là Bộ GD&ĐT. Quy trình để cấp được một chứng chỉ của Bộ là rất chặt chẽ.
Theo ông Minh, quy trình cấp bằng như sau: Các cơ sở đào tạo sau khi hoàn thành chương trình học cho học viên mà đề nghị Sở đứng ra tổ chức các kỳ kiểm tra thì Sở sẽ thành lập hội đồng và kiểm tra. Sau đó, căn cứ vào số lượng học viên đạt tiêu chuẩn vượt qua kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ mua phôi của Bộ và Sở ký chứng chỉ thì đó mới là chứng chỉ hợp quy.
“Chúng tôi sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp cùng các lực lượng công an để kiểm tra, xử lý đối với các trung tâm mạo danh này”, ông Minh nói.
Theo GTVT