Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến cuối ngày 4/9, mưa lũ đã làm chết 4 người ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và 1 người ở Yên Bái chết do bị sạt lở đất; 15.281 nhà ở các tỉnh miền Trung bị ngập, trong đó tỉnh Quảng Bình 8.308 căn, Hà Tỉnh 5.473 căn, Quảng Trị 1.456 căn…; gần 3.800 hộ ở Quảng Bình, Quảng Trị phải sơ tán tại chỗ. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến gần 13.000 ha lúa bị ngập; 928 điểm trường ở các tỉnh nói trên không tổ chức khai giảng năm học mới được.
Tại Quảng Bình, tính đến chiều 5/9, mưa lớn, mực nước các sông dâng cao khiến hàng ngàn căn nhà ngập trong nước, nhiều bản làng vẫn đang bị cô lập, đường giao thông bị chia cắt.
Khu vực bị ngập sâu nhất là các xã Tân Hóa, Minh Hóa của huyện Minh Hóa với mức nước ngập có nơi hơn 4 m.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến nước tại các sông suối trên địa bàn tỉnh này dâng cao và nhanh đến mức báo động. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND huyện Tuyên Hóa đã di dời hàng trăm hộ đến vùng an toàn. Lực lượng công an và quân đội ở địa phương cũng đã tăng cường tối đa, điều động phương tiện ứng cứu.
Trong ngày 5/9, một số địa phương ở Hà Tĩnh vẫn còn mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nhiều xã bị cô lập, hàng ngàn nhà dân vẫn ngập trong nước. Huyện Hương Khê hiện còn lại 18 xã với 2.733 căn nhà bị ngập, trong đó 2.033 căn ngập sâu trên 1 m. Chính quyền và lực lượng chức năng đang khẩn trương giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của lũ lụt.
Đang chú ý, vào 10h15 phút ngày 5/9, nước lũ dâng cao nên ông L.V. L. (SN 1968) và anh L. V. N. (SN 1985) cùng trú xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân chèo thuyền đi đánh cá trên rào Mỹ Dương.
Trong lúc thả lưới giữa hồ, chiếc thuyền không may bị lật úp, khiến cả 2 người rơi xuống nước. Thấy nạn nhân chới với giữa dòng nước, người dân ra ứng cứu nhưng cả 2 chìm dần xuống hồ.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Nghi Xuân đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường, huy động phương tiện, lực lượng, tiến hành tìm kiếm.
Đến chiều cùng ngày, thi thể ông L. và anh N. đã được tìm thấy cách vị trí gặp nạn khoảng 20 m. Ông Lê Duy Hồng, Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ, cho biết thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình mai táng theo phong tục.
Được biết, cả 2 nạn nhân đều không biết bơi. Nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn, kéo dài khiến hồ nước nơi 2 nạn nhân gặp nạn dâng cao, sâu khoảng trên 2 m.
Tại Quảng Trị, mực nước sông Sê Pôn xuống thấp nên nhiều vùng ở miền núi đã hết ngập; các ngầm tràn, khe suối bị nước dâng chia cắt đã cơ bản thông tuyến. Hiện lũ trên các sông ở tỉnh này đang xuống chậm, mực nước các sông như Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu… ở mức dưới báo động 1-2. Sau khi nước lũ rút, UBND tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương cử các đoàn công tác về địa bàn xung yếu khắc phục hậu quả; rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền và nhân dân các huyện miền núi khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, lực lượng quân y được tăng cường xuống các địa bàn xung yếu để tổ chức vệ sinh phòng dịch, khám cấp phát thuốc miễn phí, khử trùng tiêu độc nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực biên giới Việt - Lào.
Mưa lũ vừa qua đã khiến 700 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt, nhiều tuyến đường trọng yếu ở các huyện miền núi bị sạt lở nặng. Ngoài ra, có gần 4.500 ha lúa, 400 ha hoa màu và 170 ha cây trồng hằng năm bị hư hỏng nặng.