"Tài sản mất hết, trắng tay rồi", "cái bát không có mà ăn", " chỉ còn manh áo trên người", là hoàn cảnh của hàng nghìn hộ dân ở Quảng Ninh sau mưa lũ lớn lịch sử 40 năm.
Theo ghi nhận của phóng viên Vnexpress, hàng trăm hộ dân ở phường Mông Dương (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) lâm vào cảnh nhà cửa ngập ngụa bùn đất, tài sản mất hết, giờ không biết đi đâu về đâu...sau trận lũ bùn xỉ than kinh hoàng đêm 26/7.
Kể lại đêm kinh hoàng, chị Trần Thị Dung (khu 4 phường Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, khoảng 20h tối 26/7, điện mất, ngoài trời mưa rất to, bỗng chị nghe thấy tiếng rào rào, đất đá đổ xuống. "Cả xóm nháo nhác hô nhau chạy, tìm những điểm cao để trú. Chưa đầy 10 phút, nước ngập ngang bụng, tôi bị trượt chân nước cuốn trôi gần 20 m thì bám được vào cành cây rồi leo lên”, chị Dung kể lại.
Chị Trần Thị Dung bật khóc khi nghĩ tới việc sắp tới không biết đi đâu về đâu vì nhà cửa không còn sau trận mưa lũ, sạt lở kinh hoàng. Ảnh: Vnexpress |
Thoát chết trong gang tấc nhưng nay người phụ nữ này ngập trong lo lắng thời gian tới không biết lấy gì sinh sống.
“Trắng tay rồi, toàn bộ trang trại có hơn 100 con lợn và 500 con gà đều bị lũ cuốn trôi hết. Thức ăn chăn nuôi, hàng chục tấn than mới mua về cũng theo dòng lũ mà đi. Căn nhà và trang trại bị phủ kín bởi đất đá, giờ không biết đi đâu về đâu”, chị Dung ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên Vnexpress.
Cũng trú ngụ ở trạm y tế phường Mông Dương, anh Phạm Văn Tùng, quê ở Thái Bình đến làm công nhân Công ty than Mông Dương cũng bi mất hết tài sản sau đợt mưa lũ chỉ còn lại bộ quần áo đang mặc trên người.
“Tôi nhớ vợ con, muốn về thăm nhà, nhưng giờ không còn một đồng trong túi”, người đàn ông 28 tuổi nói.
Cùng phản ánh nỗi mất mát của người dân sau trận mưa lớn kỷ lục 40 năm, trên Tuổi trẻ cũng ghi lại những hình ảnh nhói lòng tại thành phố Hạ Long - Quảng Ninh khi nước rút.
“Không còn gì cả, mất hết rồi, mất thật rồi” là chia sẻ của nhiều người dân nơi đây cùng những giọt nước mắt tiếc nuối khi trở lại ngôi nhà sau khi được di tản.
Bà Trần Thị Hợi, ngụ tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long bật khóc khi đồ đạc trong nhà bị nước lũ cuốn sạch. Ảnh: Tuổi trẻ |
Bà Dương Thị Cúc, tổ trưởng tổ 15, khu 2, phường Hà Khánh, khu vực bị ngập sâu nhất tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long cho biết: "Rạng sáng 28/7, nước bỗng dâng cao khiến người dân trở tay không kịp, chúng tôi phải bỏ của chạy lấy người. Khu vực tổ 15 có 43 hộ dân thì tất cả nhà dân đều ngập nặng, trong đó nhà bị ngập sâu nhất lên tới hơn 2 mét. Hôm nay (29/7), nước rút bớt, chúng tôi quay trở lại nhà mà lòng tê tái khi phần lớn đồ đạc trong gia đình bị cuốn trôi hoặc hỏng hóc vì ngâm nước”.
Người dân tát bùn, dọn dọn nhà cửa. Ảnh: Tuổi trẻ |
Trên Vietnamnet cũng ghi nhận những câu chuyện đau lòng, ám ảnh người dân Quảng Ninh sau mưa lũ.
Chị Hà Mai Ngọc ở khu 5, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long cho biết, khoảng 15h, khi đang trông con ở trên tầng thì nghe tiếng hàng xóm hô hoán. Nhìn qua cửa sổ, chị thấy ngọn đồi trước cửa nhà đất lở, tràn xuống đường. Chị phải hô hoán người nhà lấy đồ đạc bế con nhỏ trèo qua tầng 2 sang nhà hàng xóm thoát ra ngoài.
Đau thương 8 người trong cùng 1 gia đình chết vì lũ ở Quảng Ninh |
Trước đó, một ngọn núi phường Cao Thắng, TP Hạ Long, cũng bất ngờ sạt lở cuốn bay 3 ngôi nhà liền kề khiến toàn bộ 9 người trong đình anh Cao Tiến Vỹ bị vùi lấp trong đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ đã đưa 3 người ra ngoài nhưng vợ và con anh đã tử vong. Bản thân anh bị chấn thương sọ não.
Chưa hết bàng hoàng, bà Trương Thị Lê (phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả) vẫn không quên câu chuyện phải đưa cháu bé mới 20 ngày tuổi lên… nóc tủ quần áo để không bị nước cuốn và chồng bà đã phải phá cửa kính để vào được nhà trong ứng cứu các con.
Trước đó, như tin tức đã đưa, sau 3 ngày mưa lũ (từ 26-28/7), thiệt hại về tài sản tại Quảng Ninh vượt quá con số 1.000 tỷ đồng, 23 người thiệt mạng và mất tích, gần 4000 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt.
Trong khi đó, theo cơ quan khí tượng thủy văn, mưa lớn tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh còn kéo dài trong 2-3 ngày tới.
Cụ thể, dự báo, ngày 31/7, miền Bắc sẽ có mưa lớn với lượng mưa trung bình từ 400-500 mm, cá biệt có những nơi như Cửa Ông, Quảng Ninh, lượng mưa lên tới 1.000mm. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh vùng núi phía Bắc phải kiểm tra những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, kiên quyết di dời dân những nơi có nguy cơ cao; Lưu ý sơ tán công nhân trong lán trại tại các công trường sống ở vùng núi có thể sạt lở; Kiểm tra các hồ chứa có nguy cơ nước lên cao để vận hành phù hợp đảm bảo an toàn, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê.
H.Minh (tổng hợp)