Hiện tại, có rất nhiều người đến trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tặng mô, tạng vô danh, không vụ lợi. Tuy nhiên, các chi phí cho việc xét nghiệm những chỉ số có phù hợp để hiến mô, tạng thì người hiến phải tự chi trả.
Người hiến tặng mô tạng phải tự chi trả các chi phí cho việc xét nghiệm những chỉ số có phù hợp để hiến mô, tạng (Ảnh minh họa). |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Đặng Thị Khánh (Yên Phong, Bắc Ninh), người đã được ghép thận từ 7 năm trước cho biết, người cho chị thận là mẹ ruột.
Thời điểm chị ghép thận, toàn bộ chi phí xét nghiệm gia đình chị phải tự chi trả. “Ngày đó gia đình tôi phải vay mượn rất vất vả vì cùng lúc có người được ghép thận và có người cho thận. Lúc đó, cả bố và mẹ tôi đều phải đi làm các xét nghiệm xem ai hợp để hiến thận ghép cho tôi.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cũng nêu rõ quan điểm, hiện nay, pháp luật của Nhà nước và ngành y tế ra sức khuyến khích, thúc đẩy việc tình nguyện hiến tặng mô, tạng không vụ lợi, vì mục đích cứu chữa người bệnh.
"Tuy nhiên, để một người tình nguyện hiến tặng mô, tạng thực hiện được nghĩa cử cao đẹp đó, tất yếu phải qua một loạt các xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép. Nhưng, kinh phí để xét nghiệm đó lại bắt người tình nguyện hiến tặng chi trả.
Đồng thời cũng không quy định kinh phí dành cho chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí đối với người đã hiến mô, tạng tại cơ sở y tế. Đó là sự thật", ông Phúc chia sẻ.
“Một người đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng lại còn phải bỏ ra khoản kinh phí to lớn đó để làm xét nghiệm trước khi hiến có hợp lý hay không? Ngoài ra, cơ sở y tế cũng không có kinh phí để thanh toán cho mục chi này, đây là một lỗ hổng về Chính sách để khuyến khích đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống”, ông Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng chỉ ra, hiện tại có rất nhiều người đến trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tặng mô, tạng vô danh, không vụ lợi. Tuy nhiên các chi phí cho việc xét nghiệm không thì phải tự thanh toán.
“Một điều rất đơn giản, nếu một người hiến tạng, sẽ cứu sống một người suy thận, suy gan. Và khi một người đã được ghép tạng thì chi phí mà BHYT đang phải thanh toán cho người phải điều trị đó sẽ giảm đột biến.
Rõ ràng quỹ BHYT sẽ được bớt nhiều sức ép”, ông Phúc đưa ra vấn đề.
Cùng với đó là bài toán được vị Phó Giám đốc này đề cập tới. Một người chạy thận nhân tạo, 1 tuần có thể vào bệnh viện 3 lần, mỗi lần BHYT phải thanh toán toàn bộ chi phí, lấy ví dụ khoảng triệu đồng, như vậy một tháng, một năm con số ấy sẽ là bao nhiêu lần? Đó là chưa tính các chi phí khác mà quỹ bảo hiểm phải thanh toán.
Nếu được ghép một quả thận, người được ghép trở về với cuộc sống bình thường, và chỉ còn sử dụng thuốc chống thải ghép. Bảo hiểm từ khoản phải chi trả khổng lồ bây giờ khoản chi trả đó sẽ thấp đi.
Để tăng cường số người hiến tặng mô, tạng nhân đạo, vì lợi ích của cộng đồng và góp phần chống lại hiện tượng mua bán nội tạng gây bất ổn cho xã hội, theo ông Phúc cần có quy định tôn vinh xứng đáng sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của người đã hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não theo hướng:
Đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống (bất kể người hiến tặng là người thân cùng huyết thống hoặc người hiến tặng vô danh): Được ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng. Kể cả chí phí xét nghiệm, sàng lọc đến giai đoạn cuối cho kết quả người đăng ký hiến không đủ điều kiện để hiến tặng theo quy định.
Được thanh toán toàn bộ chi phí mổ lấy mô, tạng, chi phí chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến tặng và chi phí định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất (theo yêu cầu của người hiến).
Được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp (không bị ràng buộc theo chuyển tuyến), và được thanh toán ở hạng mức cao nhất 100%, thời gian có hiệu lực của thẻ nên kéo dài 3 hoặc 5 năm cấp một lần để hạn chế vất vả cho người hiến tặng.
N.Huệ - H.Yến