Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không cho phép biến bãi đá ngầm hoặc bãi cạn thành một hòn đảo
Song song với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và tàu hộ tống vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh còn đang có những hoạt động xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đe dọa an ninh khu vực
Theo Bloomberg, Trung Quốc bị tố đang xây dựng đường băng trên bãi đá ngầm Gạc Ma, đồng thời có nhiều động thái cải tạo đất tại các bãi Ga Ven và Châu Viên. Những hình ảnh chụp từ trên không công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu cải tạo Gạc Ma từ tháng 2-2013. Những cấu trúc bê-tông cũng được dựng lên ở đó.
Nghiêm trọng hơn, ý đồ của Trung Quốc xây đảo nhân tạo và lập căn cứ quân sự tại bãi đá ngầm Chữ Thập đe dọa thay đổi cục diện của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, chỉ ra thủ đoạn quen thuộc mà Bắc Kinh luôn áp dụng trong quá trình xâm lấn biển Đông. Trước hết, Trung Quốc lấy cớ xây nơi trú ẩn tạm cho ngư dân ở khu vực tranh chấp rồi biến chúng thành các cấu trúc bê-tông và nơi đồn trú của quân đội - như những gì từng làm ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông cảnh báo thêm sự hiện diện của căn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo nhân tạo ở biển Đông sẽ đe dọa an ninh của một loạt nước xung quanh, trong đó có Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Những ảnh chụp trên không từ tháng 3-2012 đến tháng 3-2014 cho thấy hoạt động xây dựng sai trái của Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma của Việt NamẢnh: IHS
Cựu quan chức Philippines giải thích: “Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, họ còn định xây một đường băng có chiều dài hơn 1,6 km. Đây là điều đáng báo động bởi họ có thể đậu máy bay chiến đấu ở đó. Với phạm vi hoạt động hơn 3.200 km, chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc có thể đặt toàn bộ Philippines, Việt Nam và một phần Malaysia vào tầm ngắm”.
Vi phạm luật pháp quốc tế
Theo Bloomberg, đảo nhân tạo có thể phục vụ cho tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời tạo ra các căn cứ quân sự để nước này kiểm soát vùng biển nơi có những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.
“Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nắm quyền kiểm soát thực tế - dù không phải là chính thức và hợp pháp - đối với các vùng nước lân cận, vùng biển phía Tây Thái Bình Dương” - ông Richard Javad Heydarian, giảng viên Trường ĐH Ateneo de Manila (Philippines), nhận xét.
Theo ông, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này tham gia bởi văn kiện quy định “một nước không thể biến bãi đá ngầm hoặc bãi cạn thành một hòn đảo chỉ vì họ có thể làm điều này”.
Bên cạnh đó, việc xây đảo nhân tạo và đường băng trên đó còn giúp Trung Quốc dễ dàng lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Những đảo san hô nhỏ ở biển Đông này nằm cách lục địa Trung Quốc đến gần 2.500 km nên máy bay Bắc Kinh không có khả năng tuần tra thường xuyên.
Ông Richard Bitzinger, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định Bắc Kinh cần có máy bay đóng ở biển Đông nếu muốn thực thi ADIZ và đường băng nhân tạo giúp ích cho bước đi này.
Đối phó Mỹ cũng là mục tiêu của việc xây đảo. Báo Investor’s Business Daily (Mỹ) dẫn lời ông Robert D. Kaplan, chuyên gia trưởng Công ty Tình báo tư nhân Stratfor, cho rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát thêm các vùng biển và vùng trời ở biển Đông nhờ vào đảo nhân tạo, từ đó giảm bớt vai trò “người bảo vệ hòa bình và thương mại” của Mỹ ở khu vực.
Ông Kaplan còn lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng “độc hại” nếu chiến lược xoay trục của Mỹ không được thực hiện nghiêm túc.
Chẳng sợ xấu mặt! Hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu đang đối mặt nhiều thử thách song họ không ngần ngại đánh đổi để đạt được lợi ích. Đó là nhận định của tạp chí Diplomat (Nhật Bản) sau khi phân tích kết quả thăm dò dư luận do đài BBC tiến hành về hình ảnh của Bắc Kinh trong mắt cộng đồng quốc tế. Theo đó, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người Nhật và Hàn Quốc - 2 quốc gia láng giềng quan trọng nhất - đang xấu đi hơn bao giờ hết! Tại Nhật Bản, chỉ có 3% (thấp kỷ lục) người dân mở lòng với Bắc Kinh trong khi tới 73% ghét cay ghét đắng. Điều đáng nói là hình ảnh của Trung Quốc cũng cực kỳ tiêu cực đối với những nước phát triển. Theo bài viết, dễ dàng nhận thấy cách hành xử hung hăng, nguy hiểm trên biển Đông và Hoa Đông khiến cộng đồng quốc tế không khỏi nghĩ rằng dường như Bắc Kinh không mảy may quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt các nước láng giềng châu Á. Hành động trên cũng đi ngược lại nỗ lực cải thiện sức mạnh mềm và xây dựng hình ảnh quốc gia của chính Trung Quốc. Trong khi đó, một số tổ chức xã hội tại Philippines đã biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc phản đối nước này xâm lấn biển Đông hôm 12-6. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết Washington đang làm việc với ASEAN để thúc đẩy hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, tăng cường an ninh biển và củng cố luật pháp quốc tế. Thu Hằng | |