Nhiều ngày sau khi bị đuổi đánh trên sân bay, anh H, nhân viên hãng hàng không Vietjet vẫn còn không hiểu nổi sự hung hãn của nữ hành khách.
Theo anh Ngô Đức H., chuyến bay VJ 8687 từ Hà Nội đi TP.HCM dự định cất cánh lúc 22h. Lúc 21h20 phút, tại cửa ra tàu bay số 15, anh H. thấy một hành khách nữ mang theo hành lý cồng kềnh, vượt quá số lượng quy định nên đã yêu cầu cân lại hành lý.
Không đồng ý cân hành lý cũng không muốn ký gửi theo đúng quy định, vị khách này còn tỏ rõ thái độ bất hợp tác, buộc anh H phải thực hiện quy định của hãng và thông báo từ chối vận chuyển.
“Ngay sau khi tôi thông báo hành khách sẽ không được lên máy bay thì chị ấy giật áo tôi, đuổi theo tôi từ cửa ra tàu bay số 15 đến khu vực soi chiếu an ninh hàng không, xé rách áo của tôi”, anh H. chia sẻ.
Một vụ gây rối của hành khách khi đã lên máy bay.
Sự việc chỉ dừng lại khi an ninh sân bay tới can thiệp, lập biên bản, áp giải "nữ thượng đế" bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý.
Tại đây, vị khách cho biết mình tên là Trương Thị Thiên Tr. (sinh năm 1980, quê quán Bình Định). Cảng vụ đã quyết định xử phạt cô Tr. số tiền 7,5 triệu đồng, đồng thời báo cáo Cục Hàng không xem xét cấm bay.
Hành khách hành hung nhân viên như trường hợp chị Trương Thị Thiên Tr. không còn là hi hữu.
Trước đó, trên chuyến bay từ TP.HCM đi Băng Cốc ngày 5/5/2014, hành khách Lê Thị Ngọc Q. cũng mang theo hành lý quá cước. Khi bị nhắc nhở, người này đã thoá mạ nhân viên của hãng và không ngừng gào thét đòi lên máy bay.
Sau khi được “nhân nhượng”, nữ hành khách tiếp tục để hành lý quá cước sai vị trí. Bị tiếp viên nhắc nhở, chị Q. tiếp tục gây sự với nhân viên của hãng khiến an ninh cụm cảng phải can thiệp và đưa trở lại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đáng chú ý, một chuyến bay từ Hà Nội đi Nha Trang cũng của Vietjet Air từng phải hoãn hơn 3 giờ vì một hành khách dọa có bom trong hành lý xách tay hồi tháng 6/2014.
Một nam hành khách này không vừa ý việc bị tiếp viên nhắc nhở đặt hành lý trong khoang (thay vì để vào ngăn hành lý) nên đã đe dọa có bom. Chuyến bay sau đó đã được nối lại sau 3 tiếng bị hoãn. Hành khách sau đó được giao cho an ninh sân bay Nội Bài để xử lý. Phía Vietjet Air bị ảnh hưởng nặng do lịch bay phải thay đổi trong thời gian tiến hành kiểm tra an toàn bay.
Không riêng Vietjet Air, Vietnam Airlines cũng nhiều lần phải đối mặt với những tình huống oái ăm. Mới đây nhất, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, hành khách Pham Van T. (số ghế 39G trên chuyến bay VN172) đã có biểu hiện say xỉn, chửi bới lăng mạ nhân viên của hãng và nhân viên an ninh tại cửa ra tàu bay. Được nhân viên an ninh xác định đang trong tình trạng không đủ điều kiện đi máy bay, VNA đã làm thủ tục xuống tàu (offload) cho vị khách nói trên.Đại diện các hãng hàng không thừa nhận, họ rất "đau đầu" khi gặp các tình huống như vậy, bởi mỗi vị khách lại "quậy" một kiểu. Tuy nhiên, hậu quả mà nó mang lại đều là mất trật tự công cộng, gây phiền hà cho các hành khách khác. Đặc biệt, nó còn tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành hàng không.