Nam tìm đọc rất nhiều sách về văn hóa, phong tục, truyền thống của dân tộc và các nước trên thế giới.
Nguyễn Văn Nam - chàng trai duy nhất trong số gần 200 học sinh của trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử. |
Nguyễn Văn Nam là học sinh duy nhất của trong tổng số gần 200 sĩ tử khối 12 của trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) lựa chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gồm 4 môn. Trong đó, Toán, Văn là hai môn bắt buộc, còn lại học sinh sẽ được tự chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Theo công bố ban đầu của một số trường, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử rất thấp, thậm chí là 0%.
Tại trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội), ông Đào Tuấn Đạt, phụ trách chuyên môn cho biết tỷ lệ học sinh chọn tiếng Anh đạt gần 90% nhưng chỉ có một nam sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Cậu học trò bỗng dưng nổi tiếng vì quyết định này là Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12A1.
Từng là học sinh khối A, nhưng Nam có niềm yêu thích đặc biệt với Lịch sử. Cậu tìm đọc rất nhiều sách về văn hóa, phong tục, truyền thống của dân tộc và các nước trên thế giới.
Chính những thông tin này khiến Nam băn khoăn: “Tại sao Việt Nam nhỏ bé mà không bị các nước lớn như Trung Quốc thôn tính và nước ta mặc dù dành được những thắng lợi lớn trong các cuộc chiến tranh nhưng đến nay vẫn nghèo nàn, lạc hậu?”.
Từ đó, chàng trai này quyết định chuyển sang học khối C để có cơ hội tìm hiêu sâu sắc hơn về Lịch sử.
Đam mê môn học, nhưng Nam lại không có cảm tình với sách giáo khoa bởi “quá nhiều sự kiện, khô cứng dẫn đến khó học”.
Điều đó cũng lý giải một phần nguyên nhân vì sao nhiều bạn học của Nam không nhớ ngày giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh của dân tộc. Mặc dù vậy, Nam vẫn cho rằng: “Theo em, các bạn ít đăng ký Lịch sử không phải vì ghét môn học này mà còn phụ thuộc vào định hướng nghề nghiệp, chọn trường đại học và thuận lợi cho việc ôn tập”.
Chàng trai này chia sẻ giờ học Lịch sử ở trường rất thú vị, không có tình trạng thầy đọc - trò chép. Các giáo viên thường đưa ra những vấn đề mới, câu hỏi mở để học sinh tự tìm hiểu, tranh luận sôi nổi.
“Điều đó chứng tỏ Lịch sử không đơn thuần chỉ cần học thuộc. Nó còn đòi hỏi tư duy phân tích, so sánh, đánh giá của người học để tìm ra nguyên nhân, bài học từ những sự kiện, câu chuyện của quá khứ”, Nam khẳng định.
Quyết tâm đạt 9-10 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới,vì vậy ngoài thời gian trên lớp, Nam còn dành 8 tiếng để tự học ở nhà. Chàng trai này cũng mong muốn trong tương lai sẽ được trở thành giáo viên hoặc nhà nghiên cứu Lịch sử để truyền tải những nét đẹp văn hóa dân tộc đến cộng đồng.