Nhiều trường ở Hà Nội đã công bố các con số thấp kỷ lục về số học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử.
Sau khi THPT Lương Thế Vinh công bố tỷ lệ đăng ký các môn thi tốt nghiệp tự chọn, với 0% thi môn Lịch sử, các trường trên địa bàn HN cũng công bố danh sách đăng ký môn thi của trường mình.
Trong khi trường THPT Cầu Giấy, Trần Nhân Tông, Việt Đức có 9-33 học sinh đăng ký thi môn Sử thì THPT Hồ Tùng Mậu, Anhxtanh chỉ có một em đăng ký thi môn này.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức cho biết, trong tổng số 716 học sinh của trường, tỷ lệ lựa chọn các môn thi tốt nghiệp thể hiện rõ sự chênh lệch: tiếng Anh 62%, Vật lý 54%, Hóa học 45%, Địa lý 20%; Sinh học 6,6% và Lịch sử: 4,6% (33 em).
"Kết quả này chịu nhiều tác động của việc thi đại học. Rõ ràng là học sinh yêu thích môn gì thì sẽ lựa chọn môn đó để thi. Với kết quả này, mục tiêu giáo dục toàn diện bị phá sản", ông Bình nói.
Học sinh không lựa chọn thi môn Sử
Theo ông Bình, tương lai nên "tích hợp nhiều môn trong một bài thi", ví dụ kết hợp thi Toán và logic, các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân... nhằm hạn chế việc học lệch, học tủ, thi cử đối phó và tiến tới mục tiêu giáo dục toàn diện.
Dù khá khẩm hơn con số 0% đăng ký thi Lịch sử của THPT Lương Thế Vinh nhưng THPT Hồ Tùng Mậu cũng chỉ có 1 học sinh đăng ký thi môn này.
Thậm chí, tại THPT Anhxtanh, các môn Sinh học, Lịch sử, Địa lý mỗi môn chỉ có 1 học sinh đăng ký dự thi.
Trước đó, ngày 28/2, trường THPT dân lập Lương Thế Vinh có 75,6% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lý, hơn 56% thi Tiếng Anh, 0% đăng ký thi Sử.
PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho biết: "Tôi rất buồn khi Bộ đề ra chủ trương cho học sinh tự chọn môn thi. Họ đã không suy xét được hậu quả sẽ như thế nào. Tôi được biết, nhiều trường khác cũng không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử".
Giải thích về việc tại sao học sinh trường mình không chọn Sử, vị giáo già cho biết, nguyện vọng của các em khi vào trường là thi đại học khối A, D. Dù học đều và những năm trước thi Sử với kết quả khá nhưng Sử không phải là môn trọng tâm khi thi đại học nên bị bỏ qua - nghĩa là không phải do học sinh ghét Sử, mà do so sánh thì những môn khác có lợi hơn. Sử thi 90 phút tự luận, sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn những môn khác.
"Nếu cả nước chỉ dưới 1% học sinh đăng ký thi Sử thì vô tình môn Sử lại bị giáng một đòn chí mạng", thầy Cương nhận định.
PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng lý do HS không chọn môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là HS ghét môn sử dù trong thực tế hiện nay, trong cách giảng dạy môn sử, cách ra đề thi các thầy cô phải rút kinh nghiệm nhiều để tránh quá tải cho HS.
“Qua những lần dự giờ, khảo sát, chúng tôi nhận thấy HS vẫn rất yêu quý môn này. Các em có thể không lựa chọn môn sử vì chọn môn thi tốt nghiệp THPT trùng với môn thi ĐH” - PGS Oanh nhận định.
PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhìn nhận việc HS không lựa chọn môn sử là hệ quả tất yếu của cả một quá trình chứ không phải chỉ sau khi bị xếp thành môn tự chọn.
“Sâu xa hơn, nếu cứ xếp môn sử thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ càng làm cho môn học này bị coi thường, không phát triển được, dẫn đến hệ lụy là một thế hệ, một nhận thức lịch sử không được coi trọng, dân ta không biết sử ta” - PGS Hồng lo lắng.
Thái Linh