Mâm cơm ngày Tết tuy bình dị nhưng lại là “cầu nối” giữa người xưa và người nay.
Tết đến, dường như mọi thứ đều trở nên mới mẻ hơn, từ những cành hoa rực rỡ, không gian phố xá, nhà cửa cho tới những em nhỏ khoác trên mình bộ quần áo mới. Nhưng có những thứ vẫn giữ nguyên nét đẹp văn hóa từ ngàn năm qua, trong đó phải kể đến mâm cơm ngày Tết. Không chỉ là nơi để mọi người cùng quây quần, đoàn tụ bên nhau sau 1 năm mệt nhọc mà từng món ăn còn ẩn chứa những giá trị nhân văn của cả một dân tộc.
Dâng nén nhang thơm cùng với những món ăn cổ truyền, các gia đình thành kính “mời” ông bà, tổ tiên về sum vầy bên con cháu. Mâm cơm Tết bình dị nhưng lại là “cầu nối” giữa người xưa và người nay, hương vị các món ăn quện với khói trầm, với tấm lòng hướng về nguồn cội lan tỏa giữa không gian làm nên một cảm nhận thiêng liêng, xôn xao cả đất trời mà chúng ta vẫn gọi là “hương vị Tết”.
Từ xa xưa, mâm cơm ngày Tết đã hội tụ những món ăn đặc trưng đi vào ca dao, tục ngữ để nhắc nhớ những thế hệ sau. Tất cả đều được làm nên từ các loại nông sản của gia đình, quê hương: gạo từ ruộng, gà từ vườn, cá dưới ao, lá rong sau nhà. Mâm cỗ Tết còn giúp gia chủ thể hiện thành quả lao động trong năm qua với khách đến nhà. Ngày nay, nhịp sống gấp gáp, hối hả, nhiều người tìm đến những chuyên gia có sự hiểu biết về ẩm thực và các giá trị văn hóa gắn liền với món ăn ngày Tết của người Việt Nam để có được những mâm “cỗ Tết” trọn vẹn nhất.
Món ăn nào cũng mang nhiều gia vị, thành phần, màu sắc như sự quây quần, sum họp giữa mọi người với đầy đủ cung bậc cảm xúc, những đắng cay, ngọt bùi. Nem được cuộn chặt như sự gắn bó, hòa quện, chiếc bánh chưng vuông vắn bao bọc nhiều lớp như thể “lá lành đùm lá rách”. Chẳng phải vô cớ mà những người con dù ở đâu, thậm chí cách xa nửa vòng trái đất cũng mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền. Ý nghĩa về hạnh phúc đoàn viên cũng ẩn chứa trong chính những món ăn của mâm cơm ngày Tết.