Hai sự việc liên quan tới Tai nạn giao thông, nhưng với hai cách hành xử khác nhau đã một lần nữa làm dậy sóng dư luận về hai chữ "tình người".
Vừa qua, vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) khi xe container đâm vào xe 7 chỗ làm 5 người trong một gia đình tử vong đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, thương xót. Và theo lẽ thường, trước sự mất mát quá lớn khi cùng lúc, 5 người thân cùng ra đi một cách bi thương, đau đớn, thân nhân của người bị nạn hoàn toàn có thể khởi kiện người tài xế để bù đắp một phần nào đó những tổn thất mà gia đình họ phải gánh chịu.
Và trong khi vẫn còn nén nỗi đau để lo tang chay cho người thân và đợi các con từ Mỹ về nhận mặt cha lần cuối, bà Huỳnh Thị Cẩm - người phụ nữ mất chồng và con trong vụ tai nạn thảm khốc trên đã chính thức lên tiếng trước công luận. Tuy nhiên, điều bất ngờ là thay vì lên tiếng... đòi công lý, bắt người tài xế phải trả giá cho hành vi nghiêm trọng đã gây ra, bà Cẩm lại chính thức nói lời tha thứ.
Theo chia sẻ của bà, vụ tai nạn đã gây ra tổn thương và mất mát quá lớn đối với gia đình. Tuy nhiên, tai nạn là điều không ai mong muốn. Chính vì vậy, bà không muốn người tài xế phải chịu cảnh tù tội để rồi nỗi đau lại còn kéo dài và dai dẳng thêm.
Người phụ nữ Việt kiều mất chồng và 2 con trong vụ xe container tông chết 5 người đã lên tiếng tha thứ cho người tài xế |
Động thái đầy tính nhân văn của bà Cẩm khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Vì trong hoàn cảnh bi thương và đau đớn tột cùng, bà - với tư cách cá nhân - vẫn không muốn người khác bị tổn thương, bị vướng vào lao lý và lâm vào cảnh bi đát. Vì với hành vi nghiêm trọng mà mình gây ra, nếu bị truy tố trước pháp luật, trách nhiệm mà người tài xế xe container Võ Văn Răng phải gánh chịu chắc chắn sẽ không phải là nhỏ.
Trong trường hợp này, lời thứ tha của bà đối với người đã gây đại họa cho gia đình đã có sức mạnh vô cùng lớn, nó đã đặt tất cả những công đoạn truy tố, khởi kiện, tuyên án... của hệ thống cán cân luật pháp sang một bên. Nó chấm dứt được hệ lụy kéo dài dai dẳng của nỗi đau từ hai phía, ở đó, sự tang thương của gia đình bà sẽ không bị "đào lên xới lại" sau mỗi phiên tòa; và bản thân người tài xế cũng như gia đình sẽ không lâm vào cảnh khốn cùng nếu luật pháp phân xử. Nó khiến dư luận cảm thông hơn khi đề cập đến nguyên nhân vụ tai nạn, và có thể mọi người sẽ không còn xoáy sâu vào nguyên do người tài xế ngủ gật hay do xe đứt phanh. Nó làm nhòa mờ đi sự ám ảnh về một quy tắc bấy lâu nay vẫn hiện hữu, rằng "phải kết tội bằng mọi giá". Và sau lời tha thứ, tất cả đã gần như đã dần lắng xuống, nhường chỗ cho giá trị nhân văn. Bởi chính trong hoàn cảnh tang thương ấy, công luận vẫn thấy được hai chữ "tình người" từ chính những người bị tổn thất, đau thương.
Cũng liên quan tới tai nạn giao thông, nếu như trong vụ tai nạn trên, hành vi của người phụ nữ Việt kiều đã đẩy dư luận lên tới cao trào của sự xúc động thì vụ tai nạn liên quan tới một học sinh trường THPT Buôn Ma Thuột tên Đỗ Quang Thiện đã khiến công chúng bị đẩy lên "đỉnh điểm" của sự bức xúc. Bởi thay vì được tuyên dương vì có tấm lòng nhân ái, giúp đỡ người khi hoạn nạn thì Thiện lại bị đẩy vào "đường cùng" và bị buộc tội bằng mọi giá.
Trước đó, khi đang trên đường đi học về, một người đàn ông bất ngờ ngã vào xe của Thiện và bị bất tỉnh tại chỗ. Quá lo lắng, cậu đã nhanh chóng đưa người này tới bệnh viện để cấp cứu. Và rắc rối bắt đầu nảy sinh từ đó.
Sự thờ ơ, vô cảm của Tòa án và Viện Kiểm sát tỉnh Đắk Lắk đã khiến học sinh Đỗ Quang Thiện phải chịu nhiều oan ức, tổn thương |
Bệnh viện đã có hẳn một công văn kết luận nạn nhân bị ngất là do bệnh nội khoa, không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quy xuất hiện làm cho bệnh nhân té xe trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường. Tuy nhiên, công văn quan trọng này đã bị Viện Kiểm sát “phớt lờ” một cách vô trách nhiệm. Và kéo theo đó là Thiện bị truy tố vì tội gây tai nạn chết người.
Thời điểm xảy ra sự việc, Thiện còn là trẻ vị thành niên và liên tục kêu oan nhưng vẫn không được cơ quan điều tra và công tố các cấp lưu tâm. Bệnh viện cũng khẳng định thương tật của nạn nhân không liên quan tới tai nạn giao thông nhưng các cơ quan tố tụng vẫn buộc em chịu trách nhiệm hình sự và dân sự (cụ thể là 9 tháng tù giam và đền bù 56 triệu đồng cho gia đình nạn nhân). Và dù cho Thiện có tội thì với mức tội danh được hình thành sau xét xử của Thiện, chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội nên việc cơ quan thi hành án đưa cả xe đặc chủng đến trường THPT Buôn Ma Thuột để bắt Thiện ngay giữa ban ngày đã gây nên sự hoang mang tột độ với những người chứng kiến.
Cho tới khi báo chí vào cuộc, sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Ngay lập tức, cán bộ của Viện Kiểm sát đã sang xin bệnh viện cấp lại công văn giám định pháp y của nạn nhân với lý do là công văn cũ bị… thất lạc. Và sau 52 ngày thi hành án tù trong trại giam tỉnh Đắk Lắk, sáng 24/5, Đỗ Quang Thiện được đình chỉ thi hành án theo quyết định của Tòa án Nhân dân Tối cao, trở về nhà và chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong vụ án này, dư luận nhìn nhận, những tổn thương mà học sinh Đỗ Quang Thiện phải hứng chịu sau khi làm việc thiện không chỉ có sự tắc trách trong công việc của chính những người cầm cán cân pháp lý mà còn là sự thờ ơ, vô cảm đến lạnh lùng của những con người thuộc cơ quan công tố. Vì với các dấu vết để lại trên hiện trường, trên cơ thể nạn nhân chắc chắn đủ xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, làm căn cứ xử lý vụ án. Thế nhưng, mọi bằng chứng đã bị "phớt lờ" một cách khó hiểu. Và các cơ quan tố tụng chỉ coi trọng chứng cứ buộc tội mà không xem xét chứng cứ gỡ tội, vội vàng kết tội bị cáo bằng mọi giá.
Với sự phán quyết quá vội vàng, thiếu cơ sở và có thể bị coi là "thờ ơ, tàn nhẫn" đối với học sinh Đỗ Quang Thiện, thiết nghĩ tòa án Đắk Lắk nên ngẫm về cách hành xử của người phụ nữ Việt kiều Huỳnh Thị Cẩm trong vụ tai nạn khiến 5 người trong gia đình bà tử vong. Vì cho đến cuối cùng, luật pháp không phải chỉ để trừng phạt, mà cốt để con người sống tốt lên, hoàn thiện hơn, đối xử với nhau ngày càng nhân văn hơn.
Vũ Đậu