Không thể phủ nhận, với mức giá công bố của nhiều dự án chỉ khoảng chưa đến 1 tỷ đồng/căn, chung cư giá rẻ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người mua nhà. Thế nhưng, trước những bất cập về chất lượng của một số dự án chung cư mới được đưa vào sử dụng, không ít người mua nhà tỏ ra ngán ngẩm với nhà ở chung cư.
Chết khát vì chung cư giá rẻ
Tháng 5, nhiều cư dân tại chung cư Đại Thanh (Hà Nội) phản ánh về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong một khoảng thời gian dài. Đây đã từng là dự án chung cư giá rẻ gây cơn sốt trên thị trường BĐS Hà Nội với mức giá ở thời điểm này năm ngoái là 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm được đưa vào sử dụng, hơn 4 nghìn hộ dân nơi đây lâm vào cảnh khốn khổ vì thiếu nước. Mùa hè vừa rồi, chung cư này lâm vào cảnh hạn hán trong những thời điểm cao độ về nắng nóng.
Theo các cư dân ở khu đô thị này, tình trạng thiếu nước ngày một trầm trọng. Ban đầu mỗi ngày còn được bơm nước 3 lần, mỗi lần khoảng 1 giờ liên tục, với lưu lượng đủ dùng cho tất cả tầng. Kế đến mỗi ngày chỉ bơm được 2 lần, thời gian rút xuống còn khoảng 30-45 phút, áp lực nước rất yếu. Sau đó là bơm luân canh, 1 nửa số tầng có nước còn nửa kia thì không. Thậm chí có ngày không có lấy một giọt nước khiến người dân phải huy động nước bằng mọi cách.
Chung cư CT1 - khu Mỹ Đình và Sông Đà (Nam Từ Liêm) cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo ghi nhận, trong nhiều ngày liền, những người dân sống tại đây phải chịu cảnh “cõng nước” lên tầng hay “mò nước” dưới đất để dùng cho sinh hoạt hàng ngày.
Vừa ở, vừa lo
Dự án CT1 Ngô Thì Nhậm của chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai dù chỉ sau thời gian ngắn đi vào sử dụng nhưng một số căn hộ ở đây đã ẩm mốc, bong tróc, thấm dột, thậm chí nứt tường. Tình trạng này tái diễn rất nhiều lần khiến thời điểm đó nhiều hộ dân không khỏi ngán ngẩm và nghi ngờ về chất lượng của các dự án nhà ở giá thấp.
Co ngót bê tông” là lời giải thích phổ biến của nhiều chủ đầu tư với các cư dân khi xảy ra hiện tượng nhà ở bị thấm dột hay nước tràn vào nhà. Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera, ở các công trình xây dựng, khi đưa vào sử dụng bao giờ cũng có quá trình co ngót bê tông, điều này sẽ dẫn đến những vết nứt hay hiện tượng thấm dột ở các căn hộ, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cũng theo ông Tuấn, công ty đã cố gắng khắc phục sửa chữa, nhưng với hàng ngàn căn hộ không thể tránh khỏi sai sót.
Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây không thực sự thỏa mãn với những giải thích này của ông Tuấn. Anh Trinh Đức Nam, một cư dân sinh sống tại dự án này khẳng định: " Khi thời gian đã lên đến 2-3 năm, sự xuống cấp nhanh chóng của căn hộ phải đến từ nhiều nguyên nhân khác liên quan đến xây dựng, không chỉ đơn thuần do co ngót bê tông."
Thực tế cho thấy, với những khu chung cư giá rẻ, chủ đầu tư thường phải tiết kiệm hết sức, từ cắt giảm nhân nhân công, rút ngắn thời gian xây dựng cho đến việc tính toán nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng phương án thi công để làm sao cho ra lò những sản phẩm nhà rẻ, tạo sức hút mạnh trên thị trường.
Cũng cùng chung cảnh ngộ với dự án CT1 Ngô Thì Nhậm là chung cư giá rẻ Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, hiện tượng rạn nứt, bong tróc tường xuất hiện khá nhiều, hầu hết ở các tầng tại khu nhà A1 – D3.
Khu chung cư này mới được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2012, nhưng trên tường đã xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài. Cụ thể, ở khu cầu thang thoát hiểm, có rất nhiều các vết nứt nhỏ chạy ngang dọc trên tường. Ở khu tường đối diện thang máy tầng 9 cũng xuất hiện các vết nứt tương tự.
Theo phản ánh của những người dân tai đây thì tầng 1 của khu nhà A1 – D3 này là chỗ rạn nứt nhiều và rõ nét nhất. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, ban quản lí tòa nhà đã cho trát lại những chỗ nứt và phủ lên đó một lớp sơn trắng. Do đó, toàn bộ tầng 1 của khu nhà này trông rất loang lổ, nhiều chỗ còn hiện rõ dải xi măng trát phía dưới màu đen to bằng cổ tay chạy dọc.
Theo thiết kế ban đầu thì tầng 1 của toàn bộ các khu nhà tại Đặng Xá sẽ là nơi trông giữ xe. Tuy nhiên, theo một bảo vệ tại đây thì “chủ tòa nhà đã thay đổi mục đích sử dụng”.
Phản ánh với PV, một người dân sống tại tòa nhà này cho biết: “Không biết là họ quy hoạch, thi công kiểu gì mà để tường nứt nhiều thế. Lúc tôi chuyển tới đây mới tá hỏa lên khi nhìn thấy những vết nứt ở tầng 1 và nhiều chỗ khác”.
Theo Tùng Đỗ/Người Đưa Tin