Đã 1 tháng qua, dọc 2 bên quốc lộ 1A đoạn đi qua xóm 14, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhiều hộ dân đã đồng loạt treo nhiều băng rôn yêu cầu đền bù khi giải phóng mặt bằng dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A.
Đoạn đường chỉ với độ dài chưa đầy 300m này hiện vẫn chưa có mặt bằng thi công.
Không đền bù đất, chỉ bồi thường tài sản trên đất?
Gần một năm qua, từ tháng 4/2013, 34 hộ dân có đất bị thu hồi trong dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A đoạn đi qua xóm 14, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, như “ngồi trên đống lửa”, khi hàng ngàn m2 đất của họ đang sử dụng từ trước năm 1980 và đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được đền bù và cấp đất tái định cư.
Anh K. đại diện cho 34 hộ dân ở đây cho biết: “Khi triển khai dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A đi qua phần đất ở của chúng tôi thì chúng tôi đều đồng lòng với chủ trương, Chính sách của Nhà nước để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Nhưng Hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu không thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho phần đất bị thu hồi”.
Theo các hộ dân ở đây cho biết, nguyên nhân khiến UBND huyện và Hội đồng bồi thường GPMB không bồi thường, hỗ trợ và cấp đất tái định cư là vì năm 1996, dự án đã giải tỏa hành lang giao thông và lập biên bản bồi thường tài sản trên đất nên họ cho rằng đã đền bù rồi giờ người dân tái lấn chiếm nên sẽ không bồi thường nữa mà sẽ thực hiện cưỡng chế.
Người dân treo băng rôn yêu cầu đền bù đất đai khi giải phóng mặt bằng dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A.
Cũng theo bà con nơi đây, UBND huyện Diễn Châu, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu không hề giao cho các hộ dân Quyết định thu hồi đất hay thông báo giải phóng mặt bằng mà cán bộ chỉ thông báo bằng...miệng. Chỉ duy nhất, ngày 28/12/2010, ông Nguyễn Ngọc Võ - Chủ tịch UBND huyện ra thông báo số 822/UBND.TNMT, khẳng định, “phần đất nằm trong hành lang giao thông tính từ chân taluy nền đường đắp và đỉnh taluy nền đường đào đến mốc GPMB PMU1 (ban quản lý dự án PMU1 - PV) đã giải tỏa thu hồi vĩnh viễn”.
Trong cuộc họp giữa Hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu với 34 hộ dân về công tác giải phóng mặt bằng, ngày 13/11/2013, ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện lại khẳng định, “tại thời điểm giải tỏa hành lang đường bộ năm 1995 đã thu hồi đất và thời điểm đó nhà nước không có quy định về bồi thường đất khi bị thu hồi”. Tuy nhiên, người dân Diễn An lại đưa ra dẫn chứng rằng, Điều 27 Luật Đất đai 1993 ghi rõ: “Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi được đền bù thiệt hại”.
Trong lúc tranh cãi giữa yêu cầu bồi thường và từ chối bồi thường giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa được ngã ngũ thì ngày 26/10/2013, UBND huyện Diễn Châu đã đưa Biên bản kiểm kê hiện trạng đất tới các hộ dân, yêu cầu các hộ dân ký vào. Trong biên bản này không hề ghi rõ diện tích đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp...là bao nhiêu. Điều này khiến người dân vô cùng thắc mắc không rõ UBND huyện và Hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu, cho dân ký "khống" vào Biên bản này nhằm mục đích gì?
Người dân bức xúc trước biện pháp “bảo vệ thi công”
Trước việc các cấp chính quyền ra sức “đòi” đất mà không ban hành bất kỳ quyết định thu hồi hay cưỡng chế nào, để “giữ” đất, người dân xã Diễn An đã phải treo hàng loạt các băng rôn, khẩu hiệu phản đối cưỡng chế thu hồi dất.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của người dân, để đẩy nhanh tiến độ thi công, ngày 27/1/2014, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Quang Trạch đã ra công văn số 625/UBND-GL về việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác GPMB phần đất đã được giải tỏa trong quá trình thực hiện dự án mở rộng QL1A.
Công văn này nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là ông Huỳnh Thanh Điền như sau: “Để bàn giao mặt bằng kịp thời cho Chủ đầu tư triển khai hoàn thành công trình đưa vào sử dụng cuối năm 2014 như cam kết của UBND tỉnh với Bộ Giao thông vận tải; Giao UBND các huyện, thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ dân bàn giao kịp thời mặt bằng đối với phần đất đã giải tỏa trước đây, yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/2/2014; trường hợp đối với hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng thì tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ hồ sơ và thủ tục đảm bảo đúng quy định để tổ chức đợt cao điểm bảo vệ thi công từ ngày 15 đến ngày 25/2/2014”.
Trước công văn này các hộ bị cưỡng chế cảm thấy hoang mang, bất bình, bởi theo họ, UBND tỉnh, huyện “đòi” đất, nhưng lại không đưa ra bất kì quyết định thu hồi nào, vậy người dân dựa vào đâu để bàn giao đất. Và tại sao trong khi các bên chưa ngã ngũ, lại cần phải tổ chức đợt cao điểm “bảo vệ thi công”? Trên đây là những tiếng nói bức xúc từ phía người dân mà nhóm phóng viên đã ghi lại được. Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng sớm có ý kiến trả lời và giải quyết một cách thỏa đáng để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Theo Đời Sống & Pháp Luật