Nhìn lại giới showbiz Việt hào nhoáng người ta không khó để nhận ra những điều đối mặt đến cay đắng: Nhiều nghệ sĩ chân chính thì sống trong nghèo khổ còn nhiều người đi hát quán bar mang danh nghệ sĩ thì sống sung túc, vung tay tiền tỷ.
Thời gian gần đây, không ít khán giả Việt nhận ra rằng nhiều nghệ sĩ lao động cả đời cho một nền nghệ thuật chân chính lại luôn sống trong cảnh nghèo khó. Mới đây nhất là trường hợp của nghệ sĩ Hán Văn Tình, người nổi tiếng với vai Chu Văn Quềnh hồn nhiên, chân chất trong phim Đất và Người đổ bệnh không đủ tiền để chữa trị khiến khán giả không khỏi xót xa. Âm thầm sống, âm thầm cống hiến cho nghệ thuật, đến khi đổ bệnh khán giả mới vỡ lẽ, người nghệ sĩ mình yêu mến hóa ra lại có cuộc sống vất vả, gia cảnh bần hàn đến vậy.
Trước đó, còn nhiều nghệ sĩ khác cũng cống hiến cả đời cho một nền nghệ thuật nước nhà nhưng lại chết trong cảnh khó khăn. Nghệ sĩ Văn Hiệp trước khi rời cõi tạm sống cô đơn trong căn phòng hơn 8m2 trong suốt 20 năm. Nghệ sĩ Tuấn Dương khi đột ngột qua đời vì ung thư cuối năm 2013, đang cùng vợ sống trong căn nhà cũ kỹ, lớp sơn bong tróc, không có vật dụng gì giá trị. Những năm cuối đời, cố nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng sống trong căn nhà cũ là căn phòng chứa máy phát điện nhưng vẫn không mất đi nụ cười vui vẻ, lạc quan… NSƯT Trần Hạnh đang phải sống trong căn nhà tồi tàn vừa là chỗ ngủ vừa là phòng thờ ở gần ga Trần Quý Cáp, Hà Nội.
Nghệ sĩ Hồ Kiểng sống trong căn phòng chỉ có 17m2
Trong khi đó, không ít những người mang danh nghệ sĩ khác lại có một cuộc sống dư giả, tiêu xài tiền tỷ bằng những chiêu trò, những phát ngôn gây sốc. Những thứ họ quan tâm là tiền bạc, là xế hộp tiền tỷ là những món đồ tiền tỷ.
Từ những nghịch lý đó, nhiều người cho rằng nhà nước cần phải có cách đánh giá khác hợp lý về những đóng góp to lớn của những người nghệ sĩ chân chính. Phải làm sao để những con người cả đời cống hiến cho xã hội có được cuộc sống trọn vẹn nhất. Thiết nghĩ, những danh hiệu như NSND, NSƯT là những danh hiệu cao quý mà nhà nước dành tặng cho người nghệ sĩ chân chính. Nhưng nó chưa thực sự là tất cả. Bởi đâu đó vẫn tồn tại những nghệ sĩ mang danh hiệu này nọ nhưng thực sự lại không có năng lực. Tài năng của một người nghệ hãy để cho công chúng được nhận xét, hãy để công chúng bày tỏ tình cảm đến những người nghệ sĩ mà họ yêu mến.
Chính vì vậy, những việc làm kêu gọi ủng hộ tiền chữa bệnh, giúp đỡ những nghệ sĩ chân chính mà sống trong hoàn cảnh khó khăn không hẳn là một việc làm mang tính chất rủ lòng thương như một số người nhận xét. Bởi công chúng có yêu mến, có quý trọng thì họ mới sẵn sàng giúp đỡ những nghệ sĩ bằng mọi cách.
Xét cho cùng với những nghệ sĩ chân chính, họ không muốn được ai thương mà chỉ muốn được nhớ đến với những vai diễn những cống hiến mình đã làm nên. Nhưng những hành động khuyên góp của công chúng chính là cách mà họ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến nghệ sĩ. Đó là sự vinh danh của dư luận đến những con người cả đời chấp nhận cuộc sống nghèo khổ để cống hiến.
Đã có nhiều khán giả phải thốt lên trước sự bất công của giới nghệ thuật: "Có những nghệ sĩ cát xê cả bộ phim để đời mà chỉ có 10 triệu, không bằng ca sĩ hát một bài. Đắng cay cho người nghệ sĩ chân chính!"
"Những người nghệ sỹ chân chính, hoạt động không toan tính mà luôn đem đến cho khan giá cái nhìn chân thực qua các vai diễn trên màn ảnh lại luôn bi đát, thật bất công. Trong khi những kẻ vụ lợi, scandal với đủ chiêu trò lừa gạt là chính còn không hiểu nghệ thuật là gì lại phơi phới ra, xã hội luôn tồn tại những bất công".
Dù biết nền giải trí hiện nay theo cơ chế thị trường, nhưng những nghệ sĩ như Văn Hiệp, Hồ Kiểng, Trần Hạnh, Hán Văn Tình... vẫn kiên quyết đi theo con đường nghệ thuật chân chính. Cuộc đời của các nghệ sỹ chân chính đã thăng hoa đến tột cùng. Họ thực sự giầu có, nếu đến khi phải ra đi thì tài sản của họ để lại cho cộng đồng thật lớn lao. Và những giá trị đó mãi mãi được công chúng ghi nhận và nhớ đến.
Quốc Huy