Đồng ý trả thưởng rồi mới đi "dò" lại vé số; nhận vé kiểm tra rồi mới đưa lại để khách ký; không đáp ứng yêu cầu kiểm tra dấu vân tay trên tờ vé số cắt dán... là những tình tiết khó hiểu trong vụ tờ vé số độc đắc nghi bị đánh tráo ở miền Tây.
Sau hơn 4 năm, vụ tranh chấp giữa người trúng số là bà Nguyễn Thị Tuyết (ngục tại Rạch Giá, Kiên Giang) và đại lý vé số Triều Phát do ông Ngô Xương Phúc (cùng trú tại địa bàn trên) làm chủ liên quan tới tờ vé số độc đắc vẫn chưa đi tới hồi kết do phiên xét xử bất ngờ bị hoãn vào sáng nay (20/1).
Suốt 4 năm, trong khi gia đình bà Tuyết liên tục khẳng định, tờ vé số trúng thưởng của gia đình đã bị chủ đại lý vé số Triều Phát đánh tráo thì chủ đại lý cũng lên tiếng khẳng định, tờ vé số bị cắt dán nên đại lý mới từ chối trả thưởng. Tuy nhiên, trong suốt tiến trình diễn biến của vụ tranh chấp, độc giả nhận thấy một số tình tiết khó hiểu liên quan tới tấm vé số này.
Thứ nhất, để làm rõ tình tiết tờ vé số trúng giải có bị đánh tráo tại đại lý Triều Phát hay không, một đoạn băng ghi hình tại đại lý này đã được gửi ra Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an để giám định. Sau khi kiểm tra 2 lần qua máy soi đèn cực tím, kết quả cho thấy, tờ vé số mà bà Nguyễn Thị Tuyết mang tới lĩnh thưởng và tờ vé số mà ông Ngô Xương Phúc - chủ đại lý trao lại cho bà Tuyết ký tên không phải là một. Tuy nhiên, vụ việc vẫn không được xử.
Bà Tuyết cho rằng tờ vé số trúng giải của mình đã bị đại lý đánh tráo. Ảnh minh họa |
Thứ hai, theo quy trình, trước khi tiến hành kiểm tra vé số, chủ đại lý phải yêu cầu người sở hữu vé ký vào vé trước khi đưa cho đại lý. Tuy nhiên, thời điểm bà Tuyết đến đại lý Triều Phát, chủ đại lý lại không thực hiện yêu cầu trên đối với khách. Ông Phúc chỉ thừa nhận việc làm trên của mình là không đúng quy trình, nhưng bà Tuyết lại cho rằng, chính sự "không đúng quy trình" này đã tạo cơ hội cho đại lý này tráo đổi vé số trúng thưởng.
Thứ ba, theo tin trên báo Tuổi trẻ, tại các lần hòa giải, bà Tuyết liên tục thắc mắc việc bà đề nghị Công an thành phố Rạch Giá lấy dấu vân tay trên tờ vé số được cho là đã cắt dán để xác định đó có phải là tờ vé số mà bà đã mang đến đại lý hay không. Tuy nhiên, yêu cầu này của bà Tuyết lại không được đáp ứng.
Thứ tư, theo quy trình thông thường, sau khi "dò" đúng số thì đại lý mới chấp nhận trả thưởng cho khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sau khi kiểm tra kỹ, xác nhận tờ vé trúng giải, hai bên thống nhất hình thức trả thưởng xong thì chủ đại lý lại mới đi nhờ người khác "dò" lại số. Sau đó mới dẫn tới tình huống "lật kèo" của gia đình bà Tuyết.
Bà Tuyết khóc nghẹn khi nghe tòa tuyên bố tạm hoãn xét xử. Ảnh: Tuổi trẻ |
Ngoài ra, liên quan tới vụ tranh chấp, ông Nguyễn Hữu Tường - Phó Viện trưởng phụ trách kiểm sát hình sự (Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kiên Giang) cho biết, căn cứ theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, vụ kiện hoãn xử do xuất hiện một số tình tiết mới nhưng không lại không cho biết đó là những tình tiết cụ thể nào. Và phải chờ cho đến khi có kết quả giám định bổ sung, cơ quan chức năng mới xem xét các khả năng xử lý vụ việc.
Trước đó, vào ngày 22/7/2011, bà Tuyết cùng một số người thân trong gia đình mang tờ vé số trúng giả đặc biệt (mở thưởng ngày 21/7) tới đại lý vé số Triều Phát để đổi thưởng. Sau khi kiểm tra, ông Ngô Xương Phúc - chủ đại lý xác nhận tờ vé số trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận trả thưởng bằng vàng. Sau đó, ông Phúc đưa trả lại vé số cho bà Tuyết và yêu cầu bà này ký tên cũng như ghi số CMND vào mặt sau.Sau khi nhận lại vé số có chữ ký của bà Tuyết, ông Phúc đưa vé số cho một người cháu xem lại thì người này khẳng định đây là tờ vé số cắt dán nên đại lý này bất ngờ từ chối trả thưởng.
Cho rằng tờ vé số trúng thưởng của mình bị đại lý đánh tráo, gia đình bà Tuyết báo cáo vụ việc với công an thành phố Rạch Giá. Tuy nhiên, cơ quan này không ra quyết định khởi tố hình sự vụ án với lý do: không xác định được người đã bán vé số cho người nhà bà Tuyết và cũng không có cơ sở xác định đại lý Triều Phát tráo vé số.
Vẫn cho rằng đại lý đã tráo vé số trúng thưởng, bà Tuyết và gia đình nhiều lần làm đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng nhưng đều bị bác đơn với lý do không có cơ sở để xem xét. Không đồng ý với cách giải quyết này, bà và gia đình đã khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá. Sau đó, bà cũng kéo nhiều nguời trong gia đình đến la ó trước đại lý vé số Triều Phát gây áp lực đòi bồi thường. Với hành vi này, ngày 11/8/2014, bà bị Hội đồng xét xử TAND TP Rạch Giá tuyên phạt 2 năm tù, (nhưng cho hưởng án treo) về tội gây rối trật tự công cộng.
Và trải qua 2 lần hòa giải bất thành, phiên tòa xét xử vụ tranh chấp vé số đến nay vẫn chưa thể mở.
Vũ Đậu