Thời gian qua, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các điểm trông trẻ tư, mà đỉnh điểm là vụ việc Trường Mầm non Tư thục Phương Anh (TP HCM) đã khiến tâm lý sợ hãi, bất an trùm lên nhiều gia đình có con nhỏ... Và hệ lụy là nhiều trường mầm non tư thục có nguy cơ đóng cửa vì trẻ đồng loạt nghỉ học.
Sợ con bị bạo hành
Chị Thảo (ở C3, Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Do nhà neo người, khi sinh con, chị đã phải xin nghỉ làm một năm để trông bé. Khi bé Vĩnh Bảo (con trai chị) được 18 tháng, chị Thảo gửi con vào một trường mầm non tư thục gần nhà và quay trở lại với công việc. Nhưng vừa bắt nhịp với công việc, sự cố “ác mẫu” ở TP HCM bị phanh phui khiến chị đứng ngồi không yên.
“Bé Vĩnh Bảo còn nhỏ quá, nếu có bị bạo hành thì bé không thể kể lại với bố mẹ. Nhìn video các “ác mẫu” hành hạ trẻ, tôi sợ quá, quyết định tiếp tục nghỉ việc trông con cho đến khi con đủ tuổi vào trường công lập. Lần này, cơ quan không chấp nhận cho nghỉ không lương nữa, nên tôi đành nghỉ hẳn”, chị Thảo tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh, chị Thu Thủy (công tác tại Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel) cũng đành cho bé Việt Anh (2 tuổi) đang gửi ở trường mầm non tư thục Doremon (Dịch Vọng, Cầu Giấy) nghỉ học về quê cho ông bà nội chăm sóc. Chị Thủy cho biết, hàng loạt sự cố xảy ra với trẻ ở trường mầm non tư thục không chỉ khiến chị lo lắng mà chị còn phải chịu sức ép từ ông, bà nội ngoại đôi bên liên tục gọi điện yêu cầu cho con nghỉ học. “Công việc của cả 2 vợ chồng mình rất bận, thường 6 - 7h tối mới về đến nhà, thứ 7 cũng đi làm, nên con ở gần bố mẹ thì cũng luôn bị đón muộn, gửi sớm. Gửi con về quê, nhớ con thật nhưng đúng là cũng yên tâm công tác hơn hẳn...”, chị Thủy tâm sự.
Vắng học sinh, trường đóng cửa
Nỗi sợ trường tư thục của các phụ huynh đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều trường mầm non tư thục. Chị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Funny ở Khu Đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính kể, năm ngoái, chị hùn vốn cùng một người bạn để mua lại trường mầm non này. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mẫu giáo, đã có thâm niên hơn 10 năm làm giáo viên mầm non, lại mở trường ở địa điểm đông dân cư, nên chỉ hơn 1 năm, trường đã có gần 20 trẻ. “Nhưng đột ngột 2 tháng nay, trẻ cứ nghỉ học dần dù vẫn là cô giáo cũ, trường lớp cũ. Số học sinh sụt giảm chỉ còn chưa đầy 10 em, trong khi tiền nhà tăng, giáo viên thuê dạy và đầu bếp cũng đòi tăng lương khiến tôi không chịu lỗ được mãi. Hết năm 2013 là hết hợp đồng thuê nhà, tôi cũng đóng cửa trường luôn”, chị Trang cho hay.
Tình trạng lao đao vì thiếu học sinh cũng đang diễn ra tại Trường Mầm non My House ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội khi số trẻ chỉ còn chưa đầy 10 em. “Hơn 1 tháng qua đã có gần 10 trẻ nghỉ học. Giờ trường đang lỗ nặng vì mỗi tháng tiền thuê nhà đã 15 triệu/tháng, chưa kể tiền thuê giáo viên, tiền điện nước... Cứ đà này qua Tết, trời ấm hơn mà số trẻ không tăng, tôi đành đóng cửa trường”, một đại diện nhà trường chia sẻ.
Theo bà Vũ Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), lo lắng của phụ huynh khi gửi con vào các nhóm trẻ gia đình, mầm non tư thục không phải không có cơ sở khi liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em xảy ra vừa qua. “Trong hệ thống trường công, rất ít khi xảy ra sự cố hành hạ trẻ dù sĩ số trẻ mỗi lớp rất đông. Bởi khâu quản lý giáo viên ở các trường mầm non công lập được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, trường công không có điều kiện nhận trẻ dưới 2 tuổi bởi theo quy chế, trẻ dưới 2 tuổi, một giáo viên chỉ được trông 8 trẻ, nên nhà trường không có điều kiện về phòng lớp và giáo viên. Đây là bất cập còn tồn tại của hệ thống giáo dục công lập”, bà Hà cho hay.
"Trước khi gửi con vào những trường mầm non tư thục, điểm trông trẻ tại gia, phụ huynh nên kiểm tra kỹ cơ sở giáo dục đó đã được cấp phép hoạt động chưa, có đủ cơ sở vật chất hay không. Phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, cơ thể, tính cách của con, nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường như lo lắng, sợ sệt khi nhắc đến nhà trẻ, cô giáo, hoặc trên người bị thương tích, bầm tím...”. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Văn An |
Theo Giao thông vận tải