Lớn lên từ xóm nước đen Sài Gòn giữa những năm 1980, Nguyễn Thanh Tâm đã có một chặng đường dài vượt qua cái nghèo và định kiến, đặt chân đến Singapore, Thụy Điển, và sau đó là nước Mỹ. Cô cũng là người sáng lập loạt sự kiện Viet Pride dành cho người đồng tính tại Việt Nam.
Thế giới những người đồng tính nữ vốn kín đáo và ít được biết đến hơn so với những người đồng tính nam. Tại Việt Nam, manh nha đã có những tự truyện về đồng tính nam hay chuyển giới, nhưng "Trái tim sư tử" có lẽ là cuốn tự truyện đầu tiên hé lộ cuộc đời của một cô gái đồng tính, đặc biệt hơn thế nữa, lại là một cô gái hết sức thành công trong sự nghiệp.
Lớn lên từ khu xóm nghèo, tệ nạn
Câu chuyện của Nguyễn Thanh Tâm kể trong "Trái tim sư tử" không chỉ là câu chuyện về một người đồng tính mà còn là câu chuyện về một người trẻ vật lộn và vươn lên từ đói nghèo.
Sinh ra vào năm 1987 tại khu bờ kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn, nơi được mô tả là "nổi tiếng về sình lầy, mùi hôi thối bốc lên quanh năm suốt tháng khiến mọi người di ngang qua phải lấy tay che mũi", và tệ hơn là đủ các loại tệ nạn xã hội. "Cờ bạc, nhậu nhẹt, ma túy, mại dâm, các băng nhóm giang hồ thanh toán nhau ... chẳng thiếu thứ gì".
Những gia đình ở xóm nước đen của Thanh Tâm ngày ấy cùng chia sẻ với nhau một chữ nghèo, và cô gái nhỏ chứng kiến những người hàng xóm quanh mình sống lệch ra khỏi những thứ cuộc đời quy định là đạo đức.
"Người ta phải chọn lựa giữa việc từ bỏ đạo đức và đói nghèo. Giữ đạo đức thì đói, bỏi đạo đức đi thì cũng chưa chắc không đói, nhưng khi nhìn thấy những người quanh mình tìm đủ mọi cách để sinh tồn, dĩ nhiêu người ta cũng sẽ làm theo, nhiều khi là làm - liều - theo nữa... Tôi nhìn thấy những mảnh đời xám ngoét trôi tuột vào tay Thần Chết".
Nhưng may mắn thay, trong khi nhiều gia đình của cái xóm cơ cực ấy không thể cho con cái mình đi học vì phải lo cho miếng ăn của ngày hôm nay, thì Thanh Tâm đã có được một người mẹ "cấp tiến" vào bậc nhất của xóm lao động bấy giờ.
"Tôi thật sự cảm thấy mình rất may mắn khi được cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành. Năm sáu tuổi, tôi được cho học Anh văn ở nhà thờ gần đó. Tôi phải thầm cảm ơn mẹ vì đã không suy nghĩ như phần lớn người dân lao động lúc bấy giờ". Nghĩ mà xem, một đứa trẻ xóm nghèo đi học Anh văn ở đầu thập niên 90 vào năm lên 6 tuổi, quả là một tư duy kì diệu của một người mẹ. Nó quá xa xỉ và khác biệt trong môi trường bà sống lúc bấy giờ, thậm chí bà phải vượt qua những lời can thán của họ hàng khi bỏ nhiều tiền cho con gái đi học. Nhưng chính tiếng Anh đã trở thành chiếc chìa khóa vàng, làm thay đổi số phận của cô bé nghèo Nguyễn Thanh Tâm
"Muốn chiến thắng thì không được từ bỏ"
Tiếng Anh không chỉ là kiến thức, nó còn mang lại cho cô bé những chân trời mới và mơ ước mới. Tâm bắt đầu mơ ước về những trường đại học ở Mỹ, Úc, New Zealand hay Châu Âu. Nhưng nhà em quá nghèo. Dù có đỗ học bổng 100% cũng chẳng đủ tiền đi lại và ăn ở.
Tâm lọt vào vòng trong hai kỳ thi xin học bổng tại New Zealand nhưng đều không đi được đến cuối chặng. Lần thì do chưa đủ kiến thức, lần thì do em xuất hiện trước trung tâm hỗ trợ du học trong bộ quần áo học sinh sờn cũ, không cạnh tranh nổi với bạn đến dự tuyển bằng xe hơi, "ăn trắng mặc trơn".
Nhưng cô bé thấp nhỏ chỉ cao hơn 1m50 ấy không chịu từ bỏ. "Với tôi, việc du học không chỉ đơn thuần xuất phát từ niềm đam mê khám phá những vùng đất lạ, những nền văn hóa khác nhau, mà còn là cách để bước lên một tầng lớp khác trong xã hội".
Để tiếp tục học Anh văn trong khi học phí quá đắt đỏ so với gia đình, cô bé lén học chui nhủi, trốn khỏi lớp khi người ta đến kiểm tra học phí. Cô tiết kiệm tiền bằng cách đi bộ cả ngày tới trường và địa điểm học thêm, dành dụm từng nghìn bạc lẻ để ăn suất hủ tiếu ba ngàn đồng với nước lèo.
Tâm kể lại một kỉ niệm ngày ấy khi "ngồi ở cầu thang trường, gặm nửa ổ bánh mì khô cứng giá năm trăm đồng, chảy nước mắt. Không phải tôi khóc vì mình chẳng đủ tiền mua một ổ bánh mì mà tôi cảm thấy bất lực trước sự nghèo hèn đang bủa vây". Mùa hè năm 2005, Tâm tốt nghiệp cấp 3, đậu vào Đại học Công nghiệp, ngành quản trị kinh doanh. Nhưng chỉ hai tháng sau khi bắt đầu học kì, cô đã nhận thấy mình không phù hợp với trường học ở Việt Nam. Tâm quyết định nghỉ học và đi làm.
Với kiến thức và vốn Anh văn sẵn có, cộng thêm nghị lực, Tâm thăng tiến nhanh chóng trong công việc và cán đích ở vị trí trợ lý giám đốc bán hàng chỉ sau 6 tháng. Bất ngờ, cô nhận được email từ NUS - trường đại học quốc gia Singapore. NUS này đã nhận Tâm vào học chương trình Cử nhân, được miễn giảm tiền học phí và cho vay không lãi suất (trả trong vòng 10 năm) tất cả các chi phí ăn ở. Cuộc đời cô bé nghèo Nguyễn Thanh Tâm bắt đầu sang trang từ đây, rong ruổi khắp các miền châu lục.
Đối diện với giới tính thật của mình
"Tôi từng nghĩ rằng, nếu được làm Bộ trưởng Bộ giáo dục, việc đầu tiên tôi làm sẽ là ngăn cấm bất cứ hành vi nào liên quan đến việc phân biệt đối xử giữa con trai và con gái". Ở tuổi tiểu học, Tâm đã bắt đầu sống trong lớp vỏ bọc con trai. Cô cảm thấy mình không thuộc về nhóm chơi các bạn nữ, dù phải bắt buộc mặc váy đó cũng là phần vô cùng khó chịu. Lớn hơn một chút, đối diện với tình cảm học trò với một người nữ hơn mình vài tuổi, Tâm nhận được sự đối xử "đặc biệt" từ văn phòng nhà trường, thường xuyên được mời lên văn phòng "ngồi chơi ăn bánh", dù chẳng ai nói ra với cô trực tiếp về chủ đề "tình yêu đồng tính". "Khi tôi nhận thức được thứ cảm giác mơ hồ lúc đó là tình yêu, lại băn khoăn tự hỏi vì sao người ta có thể cho rằng chuyện yêu thương một người là vô đạo đức, đáng khinh bỉ và thậm chí xứng đáng để bị trừng phạt. Tôi đã dành ra 10 năm trong cuộc đời để đi tìm đáp án cho câu hỏi đó.
Còn khi 14 tuổi, cách duy nhất để tôi dẹp yên sự hỗn loạn trong lòng chỉ có thể là chấp nhận rằng có tình cảm yêu thương một người cùng giới tính là điều không đúng, sẽ bị nói xấu, sỉ nhục, và đối xử phân biệt". Có lẽ từ những hồi ức đó mà khi đến Singapore hay Thụy Điển sau này (với cờ cầu vồng - biểu tượng dành cho người đồng tính - tung bay trên đường phố Stockholm), Tâm thấy mình lạc lõng giữa quê hương khi trở về.
Trở lại Sài Gòn sau nhiều năm du học, "Tôi không chịu được cảnh tượng diễn ra ở nhà mỗi lần sum họp. Đàn bà thì lui cui trong bếp, nấu nướng, dọn dẹp, phục vụ như nô lệ. Còn đàn ông thì ngồi hỉ hả, cụng bia côm cốp ngoài này, không ai nghĩ tới chuyện dọn dẹp sau khi ăn uống sau, cũng chả buồn quan tâm những người phụ nữ mình gọi là vợ, mẹ, chị, em đang đầu tắt mặt tối trong bếp, thỉnh thoảng cuống quít bưng chén muối tiêu chanh, châm thêm nước mắn khi có anh đàn ông nào trên bàn nhậu phàn nàn".
Kết lại cuốn sách, Tâm nói "Tôi hy vọng rằng, những trải nghiệm của mình - một người sống ngoài khuôn mẫu của số đông, ngoài sức ép của nếp nghĩ, nếp làm "người ta nói..." - có thể là một lời động viên, tiếp sức cho những bạn trẻ dám "sống phi thường theo cách của riêng mình!". Còn riêng tôi sẽ nhớ mãi câu nói của Tâm nằm giữa những trang sách."Tôi không can tâm sống một cuộc đời như vậy. Người ta chỉ sống có một lần, nên phải sống làm sao cho xứng đáng".
Nguyễn Thanh Tâm (người sáng lập Viet Pride) sinh năm 1987 đã từng tốt nghiệp Đại học quốc gia Sigapore (2009), Học bổng phát triển Úc ADS, học bổng lãnh đạo Úc ALAS (2013) và gần đây nhất là học bổng Fulbright thạc sĩ tâm lý đại học Pennsylvania (2014-2015).