Ở Việt Nam bố mẹ đóng vai trò to lớn trong tất cả mọi công việc của con cái, từ học hành, công việc đến hôn nhân, bạn bè, nuôi dạy con cái...
Không thể phủ nhận, sự hy sinh tận tuỵ của nhiều Việt cho là rất to lớn nhưng ảnh hưởng của họ đến con cái nhiều khi rất tai hại. Nếu có thể được, đa phần phụ huynh Việt muốn sống thay con luôn. Riêng về học hành, hãy xem phụ huynh Việt muốn gì cho con cái:
1. Đầu tiên là bằng mọi giá chạy chọt tiền bạc, người quen hay kể cả đạp đổ cổng trường để đưa con vào trường nổi tiếng nào đó.
Vào rồi thì cũng bằng những biện pháp tương tự lo cho con vào lớp của giáo viên có tiếng nào đó, bất kể có phù hợp với con mình hay không. Ví dụ, con thích học Toán nhưng chuyên Anh oai hơn thì cứ chạy vào chuyên Anh cái đã.
2. Sau khi vào được trường, lớp rồi thì lại chạy chọt với giáo viên để ưu đãi con mình, không phải bằng việc giúp con mình học tốt hơn mà là để thầy cô nương tay với con, sao cho con mình không phải vất vả, tức là dốt mà vẫn có điểm cao.
Nói cách khác, Việt Nam là ngành rất lạ kỳ khi khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để không phải dùng ‘hàng thật’. Bạn có thể không tin tôi vì hằng ngày bố mẹ bỏ bao nhiêu thời gian, công sức cho con học thêm đủ thứ cơ mà?
Tìm mọi cách "chở che" cho con yêu. Ảnh minh họa.
Nhưng bao nhiêu người trong số họ cho con đi học vì kiến thức hay chỉ cho con đi học để biết đề mẫu, mánh nọ mánh kia khi thi cho dễ được điểm cao?
3. Có điểm cao rồi thì lo sao cho mọi môn đều được như vậy bằng con đường tương tự để có tấm bằng đẹp, cứ như vậy cho đến khi vào đại học.
Khi hỏi tại sao làm như vậy thì ai cũng đưa ra động cơ hết sức chính đáng là để xin việc cho dễ. Tuy nhiên, không mấy ai chịu hiểu, bằng cấp có thể giúp con họ kiếm được việc nhưng chỉ có kiến thức mới giúp con trụ lại.
Đến lúc đi làm mới phát hiện ra con mình chẳng biết gì, bị cơ quan chê trách, thấy rất khổ sở, theo bạn thì họ trách ai? Trách con mình lười, kém khả năng; trách bản thân đã làm con trở nên ỷ lại, tin vào điểm ảo mà không cố gắng hay trách nhà trường, thầy cô không có năng lực?
Bảo bọc con cái "quá mức" trên đường đời. Ảnh minh họa.
Chỉ cần mở bất kỳ tờ báo nào ra là bạn có ngay câu trả lời. Họ sẽ đi rêu rao khắp nơi là thầy cô dạy không ra gì, tiêu cực nọ kia trong khi tội duy nhất mà giáo viên/nhà trường mắc phải là không thể học thay con họ để biến một đứa trẻ thụ động, ỷ lại thành thần đồng được!
Thất bại là mẹ thành công, chỉ những đứa trẻ được trải nghiệm, tự đứng trên đôi chân mình mới có cơ hội thành công bền vững. Bố mẹ à, bố mẹ cho con cuộc sống nhưng đừng tước quyền sống của con mình.
Những kiến thức trên được trích từ cuốn sách "Born to be happy? – Sống để hạnh phúc?" do mua bản quyền từ tác giả Nguyễn Hoàng Ánh.
Cuốn sách là một chuỗi những cuộc trò chuyện của cô Nguyễn Hoàng Ánh về nỗi bất an của xã hội này: Trăn trở làm người, tìm ra được giá trị của bản thân, và mục đích chúng ta sống. Sách đã được phát hành trên toàn quốc.