60 năm qua đi, hình ảnh Tô Vĩnh Diện quên thân mình cứu pháo vẫn ghi dấu ấn như một biểu tượng anh hùng. Ngôi nhà ở Thanh Hóa còn lưu giữ nhiều kỷ niệm một thời của liệt sĩ.
Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954) là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông quê ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Người anh hùng nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi Pháp nổi súng tái chiếm Đông Dương năm 1946, ông tham gia và trở thành chỉ huy dân quân ở địa phương. Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cử một đơn vị quân sự xuống hỗ trợ cán bộ trấn an tình hình. Ông được giải cứu và từ đó chính thức nhập ngũ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 3/1953, ông được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không sắp thành lập. Trong thời gian huấn luyện ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ông được chỉ định là trung đội phó thuộc đại đội 829, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau 8 tháng huấn luyện, tháng 12/1953, ông cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ. Ông được điều về đại đội 827 làm trung đội phó trực tiếp phụ trách khẩu đội 3 thay khẩu đội trưởng bị thương. Khẩu đội ông được giao sử dụng khẩu pháo cao xạ 37 mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37 mm một nòng mẫu 61-K kiểu M1939, do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105 mm và cao xạ 37 mm lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, các đơn vị này hành quân vào ban đêm, liên tục trong các ngày 13, 14 và 15/1/1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở km 63 đường 42. Sau đó, từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1.450 m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15 km. Từ trưa 16/1, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, đến ngày 24/1 mới đưa được pháo vào trận địa. Tuy nhiên trận đánh đã không diễn ra như dự kiến. Ngày 26/1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra. Đơn vị của Tô Vĩnh Diện được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.
Ngày 1/2/1954, trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối, ông cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo. Ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bán pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi và khẩu pháo lăn qua chèn. Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo bị hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng ông cũng bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Trước khi nhắm mắt ông còn hỏi "Pháo có việc gì không?".
Ngày nay, nơi thờ tự liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đang được anh Tô Vĩnh Châu (cháu ruột) chịu trách nhiệm. “Khi tôi sinh ra thì bác đã hy sinh. Trong ký ước chúng tôi, bác luôn là một con người sống giản dị, hiền lành và rất có trách nhiệm với gia đình”, anh Châu kể.
Bàn thờ tự liệt sĩ Tô Vĩnh Diện.
Bà Phạm Thị Cúc (82 tuổi) là người bạn cùng chăn trâu cắt cỏ với liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. “Ông ấy là một người hiền lành, thân hình nhỏ nhắn, da trắng trẻo nhưng chạy rất nhanh. Ông da trắng và hay cười”, bà Cúc kể về anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Những ngày này, gia đình đón tiếp nhiều lượt khách đến thăm viếng anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Khu vườn và ngôi nhà, nơi gắn liền với tuổi thơ của anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Qua nhiều đời, ngôi nhà nay đã dần xuống cấp, cơ quan chức năng đang làm hồ sơ để được công nhận di tích.
Tấm gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện được đánh giá góp phần quan trọng trong việc khích lệ tinh thần chiến đấu của hàng chục ngàn chiến sĩ Điện Biên ngày ấy; là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần quả cảm của quân và dân làm nên một “thiên sử vàng” của dân tộc.
60 năm đã qua đi, hình ảnh Tô Vĩnh Diện quên thân mình cứu pháo vẫn còn in đậm như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khẩu pháo được giữ lại bằng cả mạng sống sau đó cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay, hư hại 13 máy bay địch, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vũ khí được công nhận là bảo vật quốc gia, nay đặt trang trọng trước cửa Bảo tàng Phòng không-Không quân.
Trong khu vườn của gia đình anh hùng Tô Vĩnh Diện, các cối rất tươi tốt, ra hoa kết trái quanh năm.
Dự kiến trong năm 2014, nhà tưởng niệm anh hùng Tô Vĩnh Diện sẽ hoàn thành.