Đề thi giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 12 của Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM đã đề cấp đến ngôn ngữ "chat" của tuổi teen khiến học sinh thích thú.
Đề thi có nội dung như sau:
“Ngôn ngữ tuổi mới lớn (ngôn ngữ “chat”) đang được giới trẻ tôn vinh vào hàng… sành điệu. Nhưng càng “sành điệu” bao nhiêu thì tiếng Việt lại càng bị “bám bụi” bấy nhiêu…
(Trích “Choáng” với ngôn ngữ tuổi mới lớn”, Nguyễn Toàn, Sài Gòn online)
Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên".
Đề thi môn Ngữ văn trường THPT Nguyễn Thị Xuân, TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ |
Tác giả đề Văn trên là cô giáo Nguyễn Ái Trà My - giáo viên môn Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân.
Chia sẻ về cách ra đề thi, trên Tuổi trẻ, cô My chia sẻ: “Tiêu chí ra đề kiểm tra của tôi là nội dung đề phải có tính thời sự, nhất là đề Văn nghị luận xã hội: nhất thiết phải là những vấn đề gần gũi với cuộc sống của học sinh. Đề Văn nghị luận xã hội không chỉ tạo cơ hội để học sinh thể hiện quan điểm, cách suy nghĩ, nhìn nhận của mình về cuộc sống mà còn mang ý nghĩa tác động để các em sống tốt hơn”.
Cô My cho biết sở dĩ cô chọn nội dung về ngôn ngữ “chat” là vì nhiều em học sinh sử dụng quá nhiều loại ngôn ngữ này trong bài kiểm tra của mình: “Ngay cả khi các em nhắn tin cho tôi, có nhiều câu tôi cũng không hiểu. Cô - trò trao đổi với nhau bằng tiếng Việt mà phải dịch nghĩa một hồi mới hiểu được nội dung”.
Trước đó, trong đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2013 cũng đề cập đến vấn đề ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi “teen”.
Nội dung của đề thi là “Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen khi giao tiếp với người lớn, theo em bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?”.
Với nội dung này, câu hỏi thứ 2 trong đề thi đã lồng ghép việc kiểm tra kiến thức tiếng Việt để nắm bắt được thái độ và nhận thức của giới trẻ khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Đây cũng là một vấn đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, báo chí trong thời gian dài phát triển của mạng internet.
Lê Vy (tổng hợp)