Chiều 16/4, dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đem ra bàn luận. Dự thảo luật mới đưa ra những quy định cụ thể về các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị Bạo lực gia đình, trong đó có cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan tiến hành tố tụng.
Khi thực hiện quy định cấm tiếp xúc, người có hành vi bạo lực gia đình sẽ không được đến gần người bị bạo lực. Người bị bạo lực gia đình có quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
Nếu bị cấm tiếp xúc, người có hành vi bạo lực phải giữ khoảng cách với đối phương ít nhất 50m trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm. Trong trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.
Người bị cấm nếu vi phạm thì sẽ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính để ngăn bạo lực gia đình. Ngoài ra, người dân được khuyến khích dùng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ giám sát việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.
Trong trường hợp gia đình đang thực thi lệnh cấm tiếp xúc nhưng có đám tang, đám hỷ hoặc các trường hợp đặc biệt khác thì phải báo cáo để được tiếp xúc dưới sự quản lý của công an cấp xã.
Hiện tại, biện pháp cấm tiếp xúc trong xử lý bạo lực gia đình có rất nhiều hạn chế nên cần sửa đổi, khắc phục. Tuy nhiên, khả năng áp dụng biện pháp này đối với các đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật cần xem xét kỹ hơn.
Bên cạnh đó, theo dự thảo thì trách nhiệm của công an xã rất nặng nề nhưng thẩm quyền của họ trong luật lại không khó. Vì vậy, khi đưa luật vào thực tiễn sẽ rất khó thực hiện. Đây cũng là vấn đề cần xem xét.
Theo dự kiến, Dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 3, khai mạc vào 23/5.
>> Xem thêm: Vụ chồng đánh đập vợ mới sinh đến nhập viện: Hội LHPN Việt Nam lên tiếng