Sau nửa tháng đằm mình dưới nước do ngập sâu, nhiều người dân tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) bị viêm da, trường hợp nặng hơn mắc bệnh hắc lào. Để di chuyển giữa các thôn, phương tiện chủ yếu vẫn là thuyền, thúng và ca nô. Nước dâng cao, trẻ em tại xã vẫn chưa thể tựu trường chuẩn bị cho năm học mới.
Sau hơn nửa tháng ngập lụt, người dân tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn chưa dứt cảnh lênh đênh trên sông nước. Đoạn đường chính dẫn vào các thôn nước dâng cao quá đầu gối, xe máy cố phóng vèo bị chết máy ngay tắp lự. Có những thôn buộc phải ngồi thuyền hoặc cano mới tiếp cận được.
Không còn cảnh cả thôn chỉ lác đác vài hộ dân, tranh thủ nước vừa rút nhiều người thôn Nam Hài hò nhau về nhà dọn dẹp đồ đạc. Họ dùng đủ thứ vật dụng từ bát, nồi niêu, xoong chảo cố gắng hất nước ra khỏi nhà mình. Lũ nhỏ chèo thúng sang nhà hàng xóm nhận đồ cứu trợ. Nào rau xanh, rồi nước lọc, mắm muối.
Khắp các thôn xóm tại Nam Phương Tiến, chúng tôi cảm nhận cuộc sống trở nên vui tươi, sáng sủa hơn hẳn so với những ngày âm u trước đó.
- "Anh ơi, nghe bảo mai lại mưa lớn?"
- "Ối giời ơi, mưa thì mưa chứ giờ cũng không sợ nữa".
Dù đã gần nửa tháng trôi qua nhưng xã Nam Phương Tiến vẫn chìm trong biển nước.
Khắp các thôn xóm, trẻ em phụ giúp cha mẹ mình dọn dẹp nhà cửa.
Nhiều người dân mắc bệnh hắc lào nặng
Bà Câm (82 tuổi) ngồi hóng gió trước hiên nhà mình. Chỉ mới mấy ngày trước thôi, cả vùng đó ngập lụt đến độ chẳng đi nổi. Chân bà Câm xanh lè, mắt cá chân sưng to, ngón tay bà cũng lác đác xanh. Đó là màu xanh đặc trưng của thuốc tím sát khuẩn khử trùng, mà đi vài nhà trong xóm sẽ lại gặp cảnh tượng chân tay người dân xanh lè như thế.
"Hôm trước còn sưng húp, viêm. Tôi mới đi nhận thuốc ở trạm về uống và bôi mấy ngày nay đấy chứ. Do lội nước nhiều quá nên chân sưng to, buốt, nhức. Nước ăn vào gân, không cẩn thận là phải tháo khớp. May là nước rút rồi. Trong làng khối người toét hết cả chân, tay như tôi" - bà Câm kể.
Bà Câm với bàn chân xanh lè, sưng húp của mình.
Số lượng người lớn tuổi mắc các bệnh về da chiếm phần lớn ở xã Nam Phương Tiến.
Trẻ nhỏ sử dụng phao để di chuyển.
Nhiều nơi ở xã Nam Phương Tiến đến hiện tại vẫn chưa có nước sạch. Thứ nước mỗi ngày người dân đằm mình bốc mùi hôi thối xú uế cả một vùng. Nước xanh rêu, đủ thứ rác thải xung quanh, cứ đi một đoạn cả một nhúm rác lại vướng vào chân. Từ ngày mưa lớn, động vật sống chung luôn trong nhà với người dân. Cái chỗ ngày trước là vỉa hè bỗng biến thành nơi chăn thả trâu bò, lũ vịt lạch bạch kéo nhau trèo lên mái nhà trú tạm. Phân gia cầm gia súc cứ thế "hòa" vào dòng nước chung.
Tại trạm y tế dã chiến cụm A của thôn Nam Hài, từ chục ngày qua bà con vẫn lần lượt tới xin thuốc về bôi khắp người. Ngứa ngáy, chân tay nổi mụn, thậm chí xuất hiện nhiều vết loang lổ. Khám lâm sàng ban đầu đưa ra kết luận nhiều người dân mắc bệnh hắc lào nặng. Tính đến ngày 1/8 đã có 40 người bị đau mắt đỏ, 6 người tiêu chảy.
Người đàn ông đi chợ mua vội miếng đậu về ăn cơm tối.
"Nhà chị giờ nước vẫn cao ngang bụng, chị cùng các con lên nhà bác ở gần cả tháng nay rồi. Mà cũng làm gì có nước sạch để tắm gội..." - chị Huyền than thở. Chị kể, bố mẹ chị bệnh còn nặng hơn, chân tay lở loét đến mức không đi được, chỉ biết nằm ở nhà chờ nước rút hẳn rồi đi khám.
Bà Doãn Thị Chuyển là người gốc xóm Trại tại thôn Nam Hài. Năm nay bà Chuyển 67 tuổi nhưng đã mấy mùa sống lênh đênh. "Kể từ năm 2008 thì đây là đợt ngập lâu nhất ở đây" - bà Chuyển vừa nói vừa ném túi bột vào cái giếng trước nhà. "Tôi ném thuốc khử trùng để nước trong hơn chứ kiếm đâu ra nước sạch mà dùng".
Bà Chuyển vẫn cố bám lấy căn nhà nhỏ của mình vì sợ mất đồ.
Con đường làng thân quên giờ hóa dòng sông.
Con cháu bà Chuyển đã di cư lên vùng cao hơn ở tạm, mỗi bà ở lại canh cái tủ lạnh bị ngấm nước và con bò trước nhà. Mấy đứa con hốt hoảng kháo bà cùng lên nhà người thân sinh sống nhưng bà không chịu. Bà Chuyển tiếc căn nhà, tiếc cái tủ lạnh mới mua chưa dùng được bao lâu đã hỏng.
"Ai lấy mà mẹ phải sợ?" - con gái bà Chuyển hét lớn. Đến con bò bà còn sợ bị người ta bắt mất nói gì đến căn nhà với cái tủ lạnh.
Khắp các kẽ chân của bà Chuyển, nước ăn đến độ trắng toét cả ra. Hai mắt bà còn đỏ lên vì bị nhiễm hơi nước. "Rửa nước muối rồi nhưng vẫn nhèm nhèm, chắc là viêm rồi".
Dự kiến từ ngày 16/8 đến ngày 20/8 sau khi nước đã rút và các địa phương đã được tổng vệ sinh môi trường. Trung tâm y tế huyện sẽ phối hợp với các trạm y tế của 3 xã, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ tổ chức khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 8.500 người dân.
Trẻ nhỏ vẫn chưa được đến trường
Theo kế hoạch, ngày 1/8 trẻ em tại xã Nam Phương Tiến bắt đầu quay lại trường học tập, chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng đến ngày 5/8, vẫn chỉ có giáo viên tập trung dọn vệ sinh phòng học chìm trong lũ nhiều ngày qua. Mực nước tại các trường học vẫn ngập sâu đến ngực người lớn, trẻ em được thông báo nghỉ học ở nhà tránh lũ. Nước rút đến đâu, các cô tích cực dọn dẹp đến đấy.
Đường đến trường với các cô giáo vùng rốn lũ chưa bao giờ gian nan như thế. Bắt một chuyến công nông từ đầu thôn Nam Hài đi chừng 400 mét, các cô tiếp tục ngồi thuyền đi vào khu vực trường học. Tại xã Nam Phương Tiến, 3 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nằm gần nhau. Nhưng nước dâng lên cản ngay lối đi vào ngay từ cổng chính.
Trường THCS Nam Phương Tiến ngập cực nặng.
Giáo viên mỗi người một tay dùng hết sức hất nước ra khỏi các phòng học, riêng bàn ghế đã được chuyển lên tầng 2 để tránh hư hỏng. Những ngày này, các cô ở lại xuyên trưa ở trường, bữa ăn mì tôm, bữa ăn tạm bánh mì. Cứ thấy nước tràn vào, mọi người đều hối hả tất bật.
"Không kể ngày giờ, chúng tôi mong muốn dọn trường dọn lớp sạch sẽ, tinh tươm nhất để đón các em học sinh quay lại trường học" - cô giáo Ngọc tâm sự.
Trẻ nhỏ chưa thể tựu trường thời gian này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vững - Huyện ủy viên, Trưởng phòng giáo dục đào tạo của huyện Chương Mỹ cho biết: "Từ khi có báo động nước tràn bờ đê, chúng tôi đã chỉ đạo các trường di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất lên tầng 2. Lực lượng giáo viên đã tiến hành lao động, tuy nhiên do tràn bờ đê nặng quá nên ban chỉ huy của xã đã cử thêm 30 chiến sĩ hỗ trợ các trường. Hiện nay sau khi nước rút, chúng tôi tiến hành dọn vệ sinh và tẩy uế. Chỉ đến lúc đảm bảo giao thông trong thôn, xóm chúng tôi mới cho tựu trường".