Với nhiệt độ khoảng 14 độ C tại Long Khánh (Đồng Nai), đây là dịp Tết lạnh nhất ở Nam Bộ trong suốt 17 năm qua kể từ năm 1999.
Sáng 9/2 (2 Tết), nhiều người dân TPHCM khi ra đường đều cảm nhận được không khí se lạnh trong ngày đầu năm mới. Thời tiết trở lạnh khiến người dân cảm thấy thích thú khi đi dạo phố, Chúc Tết nhau.
Các bé ra ngoài đường đều được bố mẹ chùm chăn kín để tránh rét. Ảnh Dân Trí |
Báo Vnexpress dẫn lời chuyên gia khí tượng, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), sáng 8/2 (Mùng 1 Tết) cả khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, nhiệt độ tiếp tục sụt giảm từ 2 - 4 độ C so với một ngày trước đó. Nguyên nhân do Không khí lạnh sau khi ảnh hưởng các tỉnh miền Bắc lan xuống phía Nam.
Tất cả người dân Nam bộ khi ra đường cũng phải mặc áo ấm. Ảnh Dân Trí |
Nếu so sánh trong chuỗi số liệu thì đây là đợt lạnh nhất trong dịp Tết kể từ tháng 12/1999 đến nay. Long Khánh là nơi được ghi nhận có nhiệt độ thấp nhất, khoảng 14 độ C (giảm đến gần 4 độ so với ngày hôm trước). Các khu vực khác có nhiệt độ thấp như: Phước Long hơn 16 độ C, Đồng Xoài 16 độ C, Biên Hòa 16 độ C, Tây Ninh 16 độ C, Nhà Bè (TP HCM) là 18 độ C.
Khu vực miền Tây nhiệt độ giảm ít và ấm hơn miền Đông, tuy nhiên nền nhiệt cũng trên dưới 20 độ C. Riêng vùng Châu Đốc (An Giang) có nhiệt độ thấp nhất là hơn 17 độ C, nguyên nhân có thể là do khu vực này có địa hình tương đối cao vì gần với vùng Bảy Núi.
Nhiệt độ tại TP HCM và các tỉnh Nam Bộ 3 ngày qua liên tục giảm. Ảnh Vnexpress |
Theo bà Lan, ngoài không khí lạnh, các tỉnh Nam Bộ nhìn chung có sương mù khá nhiều và kéo dài, đến trưa vẫn còn. Tiết trời lạnh còn sẽ kéo dài đến ngày Mùng 2, 3 Tết sau đó ấm dần lên.
Theo báo Dân trí, từ sáng sớm 9/2, hầu hết người dân đi xe máy ra đường đều có thêm những phụ kiện như khăn choàng, áo ấm, nón len…. Nhiều em nhỏ được bố mẹ trùm khăn choàng, mền kín mít khi ra đường.
Thu Trang (tổng hợp)