Ngày ông cắt hộ khẩu ở TP. Huế để đến với đồng bào Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), người nhà khóc không thành tiếng. Nhưng ông đã quyết về nơi có người phụ nữ đã từng cứu mạng mình, nơi có đứa trẻ mà ông đã “cướp” từ tay dân bản, từ huyệt mộ mà cháu sắp phải nằm xuống theo mẹ khi còn đỏ hỏn...
Ông là Nguyễn Diệu (SN 1962), quê gốc tại thôn Vĩ Dạ (nay là phường Vĩ Dạ) TP. Huế, là vị cứu tinh cho rất nhiều đứa trẻ Ma Coong kể từ khi xuất hiện.
Trận sốt rét kinh hoàng và những kí ức hãi hùng
Năm 1986, một người bạn đã rủ ông đến các xã miền núi phía tây Quảng Bình để thu mua lâm sản, phế liệu, sau mấy chuyến hàng thấy không ăn thua nên ông bỏ.
Đồn biên phòng thấy ông giỏi tính toán làm ăn nên đã thuê về làm kinh tế. Ông chỉ nghĩ, cố gắng làm việc, kiếm ít vốn rồi vài năm nữa về quê ổn định cuộc sống. Thế nhưng, trận sốt rét kinh hoàng vào năm 1987 đã làm thay đổi cuộc đời ông.
Các y bác sĩ của đồn biên phòng đành bó tay dù đã cố gắng hết sức, mọi người định đưa ông về xuôi nhưng ông Đinh Keo (lúc ấy là chủ đất) bảo: “Nếu đem về sẽ chết” và xin đưa ông về nhà mình để chữa bệnh cho ông.
Rừng Trường Sơn với người Ma Coong là một kho dược liệu khổng lồ, sau khi đưa ông về, ông Đinh Keo đã sai cô con gái thứ ba là Y Nhoang lên rừng lấy thuốc, thần chết đã buông tha ông sau ba ngày dùng thuốc của cha con ông chủ đất tốt bụng.
Ông Nguyễn Diệu – người xóa bỏ hủ tục chôn con theo mẹ
Năm 1988, ông về Huế để xin phép gia đình cưới bà Y Nhoong làm vợ, đám cưới lạ lùng nhất đối với đồng bào Ma Coong đã diễn ra ngay sau đó. Ông đã chứng kiến nhiều hủ tục của dân bản, nhưng tục “chôn con theo mẹ” là hủ tục mà cho đến giờ nghĩ lại ông vẫn còn thấy ớn lạnh dọc sống lưng.
Đời này qua đời khác người Ma Coong luôn rỉ tai nhau một lời nguyền: "Giàng bảo, nếu người mẹ chết khi đứa con còn nhỏ mà không chôn theo thì con ma mẹ sẽ về nhà quấy nhiễu những người còn sống, ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt".
Ông vẫn bị ám ảnh bởi cái cách mà người ta chôn đứa bé "theo mẹ". Nếu đứa bé từ 6 tháng tuổi trở xuống, khi chôn người ta sẽ lấy chân người mẹ xấu số đặt lên ngực, sát phần cổ đứa bé.
Nếu đứa trẻ từ 6 tháng trở lên, khi chôn người ta còn lấy cây lá nón hay còn gọi là cây lụi (rất cứng) đâm thằng xuống mộ. Mỗi lần như thế, tiếng khóc ré của đứa trẻ trước khi vĩnh biệt cuộc đời làm ông phải bịt tai chạy đi chỗ khác.
Nhìn cảnh đó ai cũng thương xót nhưng không ai dám nuôi cứu đứa bé. Vì nếu xảy ra bất trắc thì người cứu và nuôi phải nộp phạt cho làng 12 con trâu, 12 con bò, 12 con heo và 12 con gà. Đó là một tài sản “kếch xù” với người dân nơi đây cho nên dù có đau lòng đến đâu họ cũng bắt buộc phải theo lệ làng.
Đứa trẻ được ông “cướp” về giờ đã học đại học
Năm 1996, một cô gái bị bệnh tâm thần tên là Y Xoang đã sinh hạ được một bé trai, vì sinh thiếu tháng nên trông đứa trẻ nhỏ như một con chuột, khóc không thành tiếng. Vừa chào đời được ba ngày thì mẹ mất, như bao sinh linh vô tội khác, dân bản cũng làm ma để tiễn… cả hai mẹ con về bên kia thế giới.
Biết tin, ông đã đến xin đứa bé nhưng không ai cho, ai cũng sợ con “ma rừng”. Không còn cách nào khác, ông đành lao vào “cướp” đứa trẻ trên tay già làng rồi chạy thục mạng vào rừng. Những ngày sau đó, bà Y Nhoong phải băng rừng đem cháo, đường vào để ông nuôi đứa bé, vợ chồng ông gọi đứa trẻ là “cu Đường”.
Cu Đường giờ đã là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Quảng Bình
Sự tồn tại của “cu Đường” là chuyện lạ, là điều mà từ trước đến nay chưa ai từng nghĩ. Người ta đã nghĩ đến cái kết không hay cho cuộc đời “cu Đường”, là sớm muộn gì thằng bé cũng bị ma rừng bắt đi.
Lạ kỳ thay, từ một đứa trẻ sinh thiếu tháng, gầy gò, “cu Đường” ngày một lớn, khỏe mạnh, rắn rỏi. Trước sự kiện lạ lùng đó, mọi người đã rỉ tai nhau: "Con ma rừng sợ ông Diệu nên đã bỏ đi thật rồi!"
“Cu Đường” là đứa trẻ dân tộc đầu tiên mang họ Nguyễn, tên thật của em là Nguyễn Văn Vinh. Hiện nay Vinh đã là sinh viên năm thứ nhất ngành sư phạm tiểu học của trường Đại học Quảng Bình.
Gặp chúng tôi, cậu bé vẫn hồn nhiên kể: “Lớp em toàn con gái thôi, mấy ngày đầu đến lớp cô giáo hỏi em: “Người ở mô mà đen rứa”, làm các bạn cười ầm, nhưng giờ thì vui rồi, ai cũng quý em hết”.
Nhắc lại chuyện xưa, Cu Đường cười hiền, nếu không có ba Diệu, giờ chắc em đã làm con ma rừng, em biết ơn ba lắm...
Không chỉ là người xóa bỏ hủ tục chôn con theo mẹ, ông còn nuôi những đứa trẻ mồ côi ông khôn lớn và bày cho bà con trong bản biết cầm cái cày, cái cuốc, trồng cây bắp, nuôi con gà, để xoá đói giảm nghèo.
Theo Hải Sâm