Không thích tiếng thở lớn, tiếng ai đó nhai kẹo cao su nhóp nhép bên cạnh cũng khiến máu bạn sôi lên, nhưng bạn không đơn độc bởi có nhiều người như vậy. Nếu bạn co rúm lại khi thấy ai đó bẻ khớp ngón tay, bạn có thể kiểm tra xem có phải mình bị chứng misophonia không. Đây là hiện tượng bất thường về não khiến người bị hội chứng này "ghét bỏ những âm thanh như tiếng ăn, nhai, thở to hoặc thậm chí là nhấp bút", theo TIME.
Các nhà nghiên cứu đặt ra thuật ngữ misophonia lần đầu vào năm 2001 nhưng giới y khoa vẫn luôn nghi ngờ nó. Nhưng nhờ nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, giờ đây, chúng ta biết rằng tiếng ồn hàng ngày có thể phá hủy cuộc sống của con người.
Một nhóm nghiên cứu tại ĐH Newcastle, Anh đã chụp MRI cho não bộ của những người mắc và không mắc chứng misophonia trong khi phát một loạt âm thanh. Những âm thanh trong thí nghiệm là trung tính (như tiếng mưa, tiếng nước sôi), âm thanh khó chịu (tiếng trẻ con khóc hoặc một người la hét) hoặc những âm thanh kích hoạt (tiếng thở hay ăn).
Kết quả, các nhà nghiên cứu ghi nhận những thay đổi đáng kể trong hoạt động não bộ của những người mắc chứng misophonia khi nghe "âm thanh kích hoạt". Hóa ra, những người mắc bệnh này có một sự khác biệt về phát triển ở thùy não trước. Điều đó khiến não họ phản ứng gay gắt với những tác nhân đó. Nó cũng khiến họ đổ mồ hôi và nhịp tim tăng lên.
"Tôi hy vọng điều này sẽ trấn an những người mắc bệnh", giáo sư thần kinh học Tim Griffiths tại ĐH Newcastle cho biết.
Đối với nhiều người mắc bệnh misophonia, đây sẽ là tin tức đáng hoan nghênh vì đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng minh được sự khác biệt trong cấu trúc và chứng năng não bộ của những người bị bệnh.