"Trong lúc giằng co, Đấu bị người bệnh tạt xăng vào người. Không may, khu vực đó lại gần lò bánh bao nên lửa bắt hơi xăng thiêu sống", mẹ điều dưỡng Đấu kể lại giây phút bi kịch của con trai.
23 ngày giành giật sự sống
Chiều 7/8, PV báo Người đưa tin tìm về nhà của điều dưỡng Võ Văn Đấu (SN 1989, công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Tiền Giang) ở xã Hữu Đạo (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Bà Ngô Thị Chung (SN 1970, ngụ xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), mẹ anh Đấu ngậm ngùi mời PV vào ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của người con trai xấu số.
Bà Chung cho biết: “Sau 23 ngày điều trị, con trai tôi tử vong vào tối 3/8. Gia đình đã an táng Đấu nhưng nhiều người nghe tin vẫn tìm về chia buồn. Mặc dù, Đấu không qua khỏi nhưng thay mặt gia đình, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo bộ Y tế, tập thể y bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy-TP. HCM, sở Y tế tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang, tập thể bệnh viện Tâm thần tỉnh Tiền Giang… đã hết lòng hỗ trợ gia đình, tận tâm chăm sóc, cứu chữa cho Đấu”.
Vợ và con đau buồn trước sự ra đi đột ngột của anh Đấu |
Vừa dứt lời cảm ơn, bà Chung ôm mặt khóc ròng. Bà con thân tộc của điều dưỡng Đấu cũng không cầm được nước mắt. Gạt dòng nước mắt đang tuôn chảy, bà Chung nghẹn ngào nhớ lại từng giây phút con trai chiến đấu với tử thần, giành giật mạng sống. Bà Chung chia sẻ: “Tối ngày 12/7, Đấu có ca trực tại bệnh viện nên buổi chiều nó tranh thủ chạy về đón con gái ở nhà trẻ và ăn cơm. Đang ăn cơm, Đấu nhận được cuộc gọi từ bệnh viện nên tức tốc chạy đi làm nhiệm vụ. Tôi nghe đồng nghiệp của Đấu kể lại người thân của bệnh nhân Ngô Thành Trí gọi điện đến bệnh viện yêu cầu giúp đỡ. Bệnh viện cử Đấu cùng hai đồng nghiệp chạy xuống nhà của bệnh nhân hỗ trợ”.
“Đến nơi, người bệnh lăm lăm thùng xăng trong tay, la hét và đe dọa đốt nhà. Thằng Đấu đã dũng cảm xông vào khống chế. Trong lúc giằng co, Đấu bị người bệnh tạt xăng vào người. Không may, khu vực đó lại gần lò bánh bao nên lửa bắt hơi xăng thiêu sống Đấu. Mặc dù được dập tắt ngay lập tức nhưng con tôi vẫn bị bỏng rất nặng và được đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tối đó nhận được tin báo, vợ chồng tôi vội vã lên bệnh viện Chợ Rẫy túc trực để chăm sóc con trai. Chứng kiến con trai giành giật sự sống trong đau đớn mà tôi đành bất lực, chỉ biết trông chờ vào sự tận tâm của các bác sỹ ở bệnh viện Chợ Rẫy”, bà Chung vừa kể vừa nức nở.
Căn nhà lá đơn sơ của gia đình anh Võ Văn Đấu |
Theo lời kể của bà Chung, tuần đầu tiên điều trị ở bệnh viện, anh Đấu hôn mê sâu. Thế nhưng, hai ngày sau đó, anh tỉnh dậy và trò chuyện với người thân. “Mới mở mắt ra là Đấu hỏi con gái khỏe không, em trai thi đại học có tốt không, vợ có phải nghỉ làm nhiều không, cha mẹ mệt không… Tôi mừng hơn khi nghe bác sỹ nói con tôi khỏe lên nhiều. Lúc tôi vào thăm, nó kể bác sỹ nói mai mổ rồi bảo khát nước. Y tá mới hỏi nó muốn uống nước lọc hay nước ngọt. Nó bảo thèm nước ngọt và xin một lon. Nhìn con uống hết lon nước ngọt, tôi mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng thằng nhỏ sẽ thoát khỏi tử thần”, bà Chung nghẹn ngào.
Sau lần mổ, mỗi ngày, anh Đấu phải tiêm một mũi thuốc 9 triệu đồng. Tuy giá thuốc cao, nhưng nhìn thấy anh Đấu khỏe hơn, gia đình cũng bắt đầu ổn định tinh thần. Bản thân bà Chung cũng mới nuốt nổi hột cơm vào bụng. Thế nhưng, đến mũi thuốc ngày thứ bảy, bà Chung thấy anh Đấu mệt dần và bắt đầu hôn mê trở lại. Bác sỹ thông báo tình trạng anh Đấu đang xấu dần, mong gia đình chuẩn bị tâm lý. Nghe xong thông báo, bà Chung chỉ kịp chạy ra cho chồng hay rồi ngất xỉu. “Gia tài chỉ có hai thằng con trai, nay thằng lớn mất, thằng nhỏ buồn không muốn đi học tiếp. May là, thằng nhỏ thi trước, chứ nó hay tin anh nó bị vậy chắc không thi nổi”, bà Chung òa khóc.
“Ngọn đuốc sống” của sự tận tâm với nghề
“Vợ chồng thằng Đấu mới được chúng tôi cho ra ở riêng. Ngôi nhà dựng tạm với mấy miếng tôn và gạch còn chưa kịp tráng xi măng thì nó đã ra đi. Đấu vốn là trụ cột trong gia đình, nay nó vắn số vợ con nó không biết dựa vào đâu mà sống”, ông Võ Văn Chiến (SN 1968, ngụ xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - cha của anh Đấu) nhìn cháu nội mà không thể kìm lòng. Con gái của anh Đấu năm nay mới được 4 tuổi. Ngày người thân đem chôn cha, bé vẫn ngây thơ bảo rằng: “Ba con đi Đà Lạt. Vài bữa, ba về chở con đi học nữa nè”.
“Hôm trước khi chúng tôi đem xác cha nó về, nó thấy mọi người trùm mền kín mít mặt thằng Đấu, nên nó nói trùm vậy cha nó nghẹt thở chết thì sao. Rồi thấy tấm hình cha nó trên bàn thờ, nó mới òa lên khóc: “Cha con chết rồi ai chở con đi học”. Thấy vậy, mọi người mới xúm lại nói dối nó là cha đi Đà Lạt vài bữa cha về. Nói vậy, nó mới cười chạy đi chơi”, bà Chung nấc từng hồi, ngắt ngang dòng tâm sự.
Bà Chung tiếp lời: “Thường ngày, thằng Đấu cột tóc, đút cơm rồi chở con bé đi học, chiều lại rước về nên bé rất mến cha. Hễ con bé nóng chút xíu là nó tất tả chở con đi khám bệnh. Trơi mới trở lạnh xíu là mặc áo dài tay cho con gái, chứ không có cho chạy ngoài trời cù bơ cù bất như bây giờ”.
Tính anh Đấu hiền lành nên bà con, đồng nghiệp ai cũng thương mến. Anh chết đến cây mai anh trồng, mấy giò lan anh chăm cũng được mọi người tỉ mỉ cho đeo tang. “Vợ chồng tôi nghèo, cho con ra ở riêng mà cũng chẳng có miếng đất cho nó làm. Nay nó mất, với đồng lương công nhân bấp bênh, vợ con nó không biết sống thế nào”, ông Chiến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bảo (SN 1989, ngụ xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), vợ anh Đấu cứ ngồi thẫn thờ suốt buổi nói chuyện. Nghe mẹ chồng kể chuyện, nước mắt chị lại ứa ra, lâu lâu chị lại đưa mắt tìm con gái ngoài sân.
Sau khi sự việc đau lòng xảy ra với anh Đấu, nhiều cán bộ, đồng nghiệp của anh Đấu gọi anh là “ngọn đuốc sống”, minh chứng cho lòng yêu nghề và sự tận tâm trong công việc. Trong thư chia buồn gửi gia đình anh Đấu, Bộ trưởng bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá rất cao hành động dũng cảm, quên mình của điều dưỡng Võ Văn Đấu: “Anh Võ Văn Đấu là một điều dưỡng tận tâm với nghề, là tấm gương sáng để cán bộ công nhân viên ngành y tế học hỏi, noi theo”.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phát động phong trào học tập tấm gương điều dưỡng đặc biệt này cũng như quan tâm, giúp đỡ gia đình, vợ con điều dưỡng Đấu. Trong quá trình điều trị cho anh Đấu, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung chuyên môn, thiết bị hiện đại nhất để điều trị cho điều dưỡng Đấu. Ngày 3/8, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thăm hỏi, tặng quà và động viên người thân gia đình anh Đấu...
Đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang xem xét phong anh Võ Văn Đấu là liệt sỹ Ngày 5/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị thực hiện chính sách đối với diều dưỡng Võ Văn Đấu, là viên chức đã tử vong khi thực hiện nhiệm vụ. Xét theo điều 15 Luật Viên chức quy định, trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng Chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sỹ theo quy định của pháp luật. Từ đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét thực hiện chính sách cao nhất là phong liệt sỹ cho anh Đấu. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài