Là một nông dân nhưng vì niềm đam mê văn hóa cổ đại, ông Vinh không tiếc thời gian lặn lội khắp nơi tìm kiếm, hiện ông có tới 2.000 cổ vật có giá trị.
Duyên nợ với cổ vật
Không phải là một đại gia, cũng không phải là một chuyên gia nghiên cứu ngành khảo cổ học, thế nhưng ông Nguyễn Thế Vinh (SN 1949, ngụ thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) sở hữu một bộ sưu tập hàng ngàn các cổ vật đồ đá thời tiền sử. Những cổ vật mà người cựu chiến binh chân đất này sở hữu đều có niên đại hàng ngàn năm tuổi, mang đậm giá trị văn hóa từ thuở hồng hoang.
Rìu đá, cuốc đá, mảnh tước, đồ trang sức bằng đá... được ông Vinh cất giữ cẩn thận. |
Được biết, trước đây, ông Vinh còn được gắn với biệt danh “điên khùng” vì thú chơi quái đản của mình. Sau một thời gian, khi được các cơ quan chức năng công nhận giá trị thực những cổ vật mà ông sưu tầm được, thì biệt danh này mới dần được bác bỏ. Để mục sở thị bộ sưu tập cổ vật vô giá của ông Vinh, từ trung tâm xã Nhân Cơ, PV vượt gần 20km đường đất đỏ, đầy sình lầy để đến được nhà ông.
Căn nhà nhỏ của ông Vinh nằm giữa cánh rừng cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. Nơi ông Vinh ở cũng giản dị như con người ông, đó là một căn nhà gỗ, nền đất. Lúc PV đến, ông vẫn đang mải mê với nhịp điệu của bộ chiêng đá mà ông sưu tầm được từ năm 2007.
Ông Vinh xuất thân từ một gia đình có truyền thống chơi đồ cổ. Cụ thân sinh của ông là một trong những nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng thành Nam (tỉnh Nam Định – PV). Được tiếp xúc với những cổ vật ngay từ ngày còn cắp sách đến trường, nên ông say mê, am hiểu những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc qua các thời kỳ. Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông trở về và lập gia đình, sinh sống tại huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai). Năm 2002, ông Vinh dắt díu vợ con lên vùng đất đỏ Tây Nguyên lập nghiệp. Được sự giúp đỡ của một đồng đội cũ, gia đình ông Vinh đã mua được 1,5 ha đất cà phê ở xã
Nhân Cơ để canh tác
Đến năm 2006, niềm đam mê đồ cổ lại trỗi dậy khi ông Vinh tình cờ phát hiện trên mảnh đất mà gia đình ông cày cuốc bao nhiêu năm đang tồn tại nhiều dấu vết của người tiền sử, đó là những mảnh gốm, mảnh đá có hình thù và họa tiết lạ. Tất cả những mẫu vật này nằm sâu khoảng 10 – 50cm rải rác khắp khu vườn và phát lộ trong quá trình vợ chồng ông xới đất trồng cà phê. Với vốn kiến thức đã được tích lũy từ ngày còn ở Nam Định, nên ông nhìn nhận đây là những dụng cụ thủ công của người tiền sử. Ông Vinh cẩn thận gom những mẫu vật này lại rồi tìm tài liệu nghiên cứu. Bên cạnh đó, để khẳng định chắc chắn, ông mang một số mẫu vật đến bảo tàng tỉnh Đắk Nông, trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (đại học Quốc gia TP.HCM), nhờ các chuyên gia khảo cổ học phân tích. Tại đó, ông Vinh được các chuyên gia cho biết, những mảnh đá mà ông tìm được chính là rìu đá, cuốc đá, mảnh tước, đồ trang sức... những mẫu vật đó đều có niên đại từ 3.000 -5.000 năm về trước.
Ông Vinh đang mải mê với bộ chiêng đá ba món được ông tìm thấy năm 2007. |
Ông Vinh chia sẻ: “Tôi đến với các cổ vật này như một cái duyên tình cờ, không ngờ rằng ngay trên mảnh vườn nhà mình lại tồn tại nhiều dấu vết của người tiền sử đến như vậy. Trong quá trình tìm kiếm, tôi phát hiện những cổ vật nằm rải rác khắp nơi, ở các rẫy lân cận. Nhưng, các hiện vật lại tập trung ở vườn nhà tôi nhiều nhất. Có thể, trước đây khu vực này là một công xưởng chế tác các công cụ đồ đá của người tiền sử”.
Hơn 2.000 cổ vật có niên đại hàng ngàn năm
Từ ngày được công nhận giá trị thực của những cổ vật mình tìm kiếm được, ông Vinh không quản nắng mưa, trèo đèo lội suối, để tìm những mẩu đá còn sót lại. Gần 10 năm, số lượng cổ vật mà ông mang về cho bộ sưu tập của mình lên đến hơn 2.000 món, đa số là công cụ thủ công và đồ trang sức bằng đá được cho là của người tiền sử.
Bộ sưu tập của ông Vinh đã thu hút không ít các nhà nghiên cứu khảo cổ từ Hà Nội, TP. HCM lặn lội tìm đến để được chiêm ngưỡng và cùng nghiên cứu. Năm 2010, thạc sỹ Nguyễn Hải Đăng, viện Khoa học xã hội Việt Nam - viện Khảo cổ học (Hà Nội) đã đến nhà ông Vinh để cùng ông phân tích, nghiên cứu và đánh giá niên đại, giá trị những cổ vật mà ông sưu tầm được. Ngoài ra, ông Vinh cũng đón tiếp nhiều đoàn sinh viên ngành khảo cổ học của trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM để tìm hiểu văn hóa thời kỳ đồ đá.
Với những thành tựu đạt được, ông Vinh hiến tặng cho trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM 10 rìu đá, 10 cuốc đá cổ. Ngoài ra, ông cũng tặng cho bảo tàng tỉnh Đắk Nông hai bộ chum cổ có niên đại trên dưới 4.000 năm. Sở hữu hàng ngàn những cổ vật mang đậm bản sắc văn hóa của thế hệ ngàn xưa, ông Vinh vẫn tâm đắc nhất với bộ chiêng đá ba món được ông tìm thấy từ năm 2007 trong một lần cuốc cỏ cà phê trên rẫy nhà mình.
Đam mê cổ vật nhưng cuộc sống của nhà sưu tầm cổ vật chân đất này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ với PV về thú sưu tầm cổ vật của chồng, bà Trần Thị Thơm (SN 1960, vợ ông Vinh) cho hay: “Điều kiện kinh tế của gia đình rất eo hẹp, quanh năm phải đầu tắt mặt tối với vườn cà phê để sinh sống. Tôi cũng từng ngăn cản niềm đam mê của chồng, vì tất cả những cổ vật mà ông ấy say mê sưu tầm đều không mang lại giá trị kinh tế. Thế nhưng vì quá đam mê, không muốn làm buồn lòng vợ con, ông ấy đã tranh thủ những ngày mưa hay những ngày nghỉ để lặn lội tìm kiếm cổ vật khiến tôi cũng động lòng. Khi làm vườn nhặt được những mẫu vật có hình thù lạ, tôi đều mang về cho ông ấy sưu tầm”.
Khi PV thắc mắc, lý do nào khiến ông lao vào sưu tầm cổ vật mà không vì mục đích kinh tế, ông Vinh chia sẻ: “Xuất phát từ niềm đam mê, tôi coi những cổ vật mà mình tìm được như một đứa con tinh thần. Vì chưa có điều kiện, nên với những cổ vật tìm được, tôi đều phân loại và cất giữ cẩn thận. Trong tương lai, tôi sẽ mở một quán cà phê ở Đồng Nai trưng bày những cổ vật này như một bảo tàng nhỏ, để nhiều người cùng chiêm ngưỡng, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa thời kỳ đồ đá cho đời sau”.
Mong muốn cổ vật được bảo quản tốt hơn
Nói về bộ sưu tập các cổ vật của ông Vinh, Phó Chủ tịch xã Nhân Cơ - ông Nguyễn Văn Thành cho biết: “Ông Nguyễn Thế Vinh là một cựu chiến binh gương mẫu của xã. Bộ sưu tập những cổ vật của ông được cán bộ của bảo tàng tỉnh Đắk Nông và viện Khảo cổ công nhận giá trị thực. UBND xã cũng nhiều lần mượn các cổ vật trong bộ sưu tập này để trưng bày trong các lễ hội. Thế nhưng vì kinh phí hạn hẹp, nên địa phương vẫn chưa có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ ông Vinh tiếp tục công việc sưu tầm cổ vật. Chính quyền địa phương cũng mong muốn cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn và có hướng hỗ trợ, giúp ông Vinh toàn tâm toàn ý trong việc bảo tồn các cổ vật, để chúng không bị hư hỏng và thất lạc”.
Mai Cường