Vào một buổi sáng tháng 8/2013, hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đã được chính quyền và dân làng thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) giải cứu sau 40 năm sống trên căn chòi chót vót trên thân cây giữa rừng già. 40 năm trước, hoảng loạn trước trận bom kinh hoàng khiến mẹ già và 2 con trai chết thảm ông Hồ Văn Thanh đã mang con là ông Lang (khi ấy 1 tuổi) trốn vào rừng sâu. Kể từ đó, họ sống một cuộc sống hoang dã, cả người chỉ có manh khố bện bằng vỏ cây. Dụng cụ nấu ăn, lao động thì được lượm lặt và tự chế để sử dụng. Lúc được giải cứu, ông Thanh đã 81 tuổi, bị ốm nặng và phải được khiêng về.
Lần đầu tiên được tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, "người rừng" Hồ Văn Lang vừa bỡ ngỡ, vừa thích thú. Anh được người thân giúp đỡ làm quen lại từ việc mặc quần áo, tắm rửa cho đến ăn uống. Anh tập làm mọi thứ như một đứa trẻ và không có khái niệm gì về tiền bạc giữa cuộc sống đời thường.
Thế nhưng, sau những ngày làm quen với cuộc sống hiện đại, cha con "người rừng" lại quay quắt nỗi nhớ núi rừng. Ông Thanh cứ lẩm bẩm muốn trở về thăm rẫy. Họ nhớ căn nhà cao chót vót trên cây, nhớ những ngày đi làm nương, làm rẫy.
Theo thời gian, "người rừng" giờ đã hòa nhập được với cộng đồng nhưng vẫn thích trồng trọt, ngủ lại chòi lá trên rẫy và nghiện trầu cau. Anh Lang có hẳn một trang trại nuôi trâu trên núi. Đó là một khu đất rộng được "người rừng" rào chắc chắn để nuôi nhốt trâu dài ngày. Bên trong, người rừng có 3 con trâu là tài sản quý giá. Cứ sáng sớm, anh Lang lên núi tìm cỏ và lá rừng về cho 3 con trâu ăn.
Lúc này, "người rừng" Hồ Văn Lang đã quen với cuộc sống có dân làng. Anh chia sẻ trở lại làng sống rất vui vì ngày nào cũng được nuôi trâu. Ngày xưa ở trong rừng chỉ nghe tiếng chim muông nhưng giờ còn được nghe tiếng máy nổ, được gặp và trò chuyện với dân làng bằng tiếng Cor.