Theo kế hoạch, đến 5 giờ ngày 25-1, nguồn nước sẽ được cấp lại bình thường. Tuy nhiên, đến gần trưa cùng ngày, nước mới bắt đầu được bơm ổn định.
Theo thông báo từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, kể từ 22g ngày 24-1 đến 5g ngày 25-1, nhằm bảo trì, sửa chữa hệ thống cấp nước và bảo dưỡng thiết bị tại Nhà máy nước Thủ Đức (công suất 800.000 m3/ngày đêm), đơn vị sẽ tiến hành cúp nước hoàn toàn tại sáu quận: 1, 2, 3, 5, 9 và Thủ Đức. Đồng thời, việc cúp nước cũng được thực hiện tại một số phường của các quận còn lại.
Sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì vúp nước. Ảnh Người lao động
Mặc dù thông báo như vậy, tuy nhiên theo nhiều người dân, ngay từ 20g lượng nước đã yếu và đến khoảng 21g thì bị ngắt hoàn toàn.
Thông tin trên báo Người lao động, trong sáng 25-1, một số tuyến đường như Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), Trần Não (quận 2), Lê Văn Việt (quận 9)…, nhiều quán cà phê, quán ăn, hộ kinh doanh giặt ủi, hiệu cắt tóc, gội đầu... phải tạm ngưng hoạt động do thiếu nước. Chủ một quán cà phê trên đường Bà Huyện Thanh Quan cho biết: “Tôi đã chuẩn bị nhiều xô, thùng chứa nước nhưng vẫn không đủ. Khách vào quán mà nhà vệ sinh không dùng được nên phải đóng cửa chờ nước có lại”.
Một số tiểu thương trong chợ Bình Triệu (quận Thủ Đức) cũng than thở không thể buôn bán do nước cúp. Các tiểu thương ở đây đều thuê sạp vào ban ngày và dùng nước bơm trực tiếp để sử dụng chứ không tích trữ. Vì thế, khi bị cúp nước, người dân đành phải mua nước từ các nhà dân mới có thể mở quầy bán hàng.
Không chỉ những khu vực được thông báo, mà một số khu vực không nằm trong danh sách bị cúp nước như phường 6 (quận Phú Nhuận), phường 4, 12 (quận Bình Thạnh)..., người dân cũng gặp tình trạng nước yếu, đục và mất nước vào rạng sáng.
Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Lê Hữu Quang - trưởng phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện đúng theo thông báo đưa ra, việc này chúng tôi cũng đã có báo cáo với các sở ngành và UBND TP”.
Theo ông Quang, không có chuyện cúp nước sớm, có chăng là nước yếu sớm do thời điểm trước khi cúp nhiều người dân lo ngại thiếu nước nên đã tích trữ đồng loạt làm áp lực nước trong đường ống yếu đi. Trong suốt quá trình cúp nước, người dân vẫn tiếp tục sử dụng nên đường ống “bị rỗng”.
"Lúc mở nước trở lại, do đường ống “bị rỗng”, theo nguyên tắc kỹ thuật, chúng tôi phải bơm từ từ cho nước dâng đầy đường ống trước rồi mới tăng dần áp lực. Nếu tăng đột ngột ngay từ đầu dễ làm vỡ đường ống", ông Quang nói.
Phan Thủy (tổng hợp)